Gặp người chọn khe Hó mở đường Trường Sơn 

NDĐT- Kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh (19-5-1959 - 19-5-2019), chúng tôi về thăm Trung tá Trần Anh Don, người vinh dự được cùng Thượng tá Võ Bẩm chọn khe Hó thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm điểm mốc lịch sử mở đầu đường Trường Sơn đánh Mỹ, cứu nước.

Gặp người chọn khe Hó mở đường Trường Sơn

Đồng chí Trần Anh Don, nay đã 89 tuổi như sống lại thời trai trẻ khi kể về những ngày mở đường Trường Sơn.

Khe Hó lịch sử

Trung tá Trần Anh Don, nguyên Binh trạm trưởng 32-33, Trưởng phòng Hành quân-giao liên của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559, năm nay đã 89 tuổi như đang sống lại thời trai trẻ khi kể về những ngày cùng đồng đội mở đường Trường Sơn, cứu nước cho thế hệ trẻ hôm nay được nghe.

Sáu mươi năm trước, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị và Bác Hồ chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn Quân sự đặc biệt (sau này gọi là Đoàn 559) do đồng chí Thượng tá Võ Bẩm, Cục phó Cục Quản lý Bộ Tổng Tham mưu của Bộ Quốc phòng phụ trách để tìm vị trí thích hợp mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho chiến trường miền nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, tài liệu…từ bắc vào nam và từ nam ra bắc. Lúc ấy, Bác Hồ ân cần dặn dò cán bộ, chiến sĩ đi mở đường Trường Sơn: “Phải tận dụng thiên thời, địa lợi, nhân hòa, khẩn trương mở mới, kéo dài đường gùi thồ Đông Trường Sơn”. Đang công tác ở Quân khu 4, tháng 3-1959, đồng chí Trần Anh Don được lệnh ra Hà Nội gặp đồng chí Võ Bẩm, nhận nhiệm vụ tham gia đoàn.

Một đoạn đường gùi thồ vẫn còn ở khe Hó năm 2009.

Sau khi chính thức nhận nhiệm vụ từ Bộ Chính trị và Bác Hồ, đầu tháng 6-1959, Đoàn trưởng Võ Bẩm vào thị trấn Hồ Xá của Đặc khu Vĩnh Linh chủ trì cuộc họp bàn cụ thể bàn việc chọn địa điểm mở đường vào Nam với lãnh đạo Đặc khu Vĩnh Linh, đại diện Khu 5 và Trị-Thiên. Sau cuộc họp, Đoàn trưởng Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy tổ chức đội khảo sát mở tuyến, trong những người đầu tiên đi mở tuyến đó có đồng chí Trần Anh Don.

Với phương châm chủ động tránh địch để bảo toàn lực lượng, không đi theo những lối mòn thuận lợi có sẵn nhằm bảo đảm tuyệt đối bí mật an toàn của tuyến đường, tránh địa hình núi non hiểm trở để cơ động lực lượng. Sau một thời gian tìm hiểu địa hình phía tây nam tỉnh Quảng Bình, miền tây Đặc khu Vĩnh Linh và Trị - Thiên, cuối cùng Đoàn trưởng Võ Bẩm quyết định chọn khe Hó làm điểm mốc đầu tiên soi đường, lập trạm cho con đường gùi thồ gian khổ vượt Trường Sơn. Quyết định chọn khe Hó làm điểm mốc lịch sử lập tức được Bộ Chính trị và Bác Hồ đồng ý.

Khe Hó là một lạch nước nhỏ, ở dưới chân dãy núi động Nóc, nằm ở bờ bắc, phía thượng nguồn sông Bến Hải. Sau khi chọn được vị trí thích hợp, hai mươi tấn vũ khí được bao gói cẩn thận bí mật vận chuyển từ Bắc vào vị trí tập kết của Đoàn 559 tại khu rừng già ở Khe Hó. Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn vào nam. Sau tám ngày đêm gùi hàng vượt qua suối sâu, đèo cao, hệ thống đồn bốt chốt chặt nghiêm ngặt của địch, hàng được bàn giao an toàn tại huyện A Lưới của Thừa Thiên - Huế gồm súng tiểu liên, súng trường và đạn. Đây là món quà có ý nghĩa với cách mạng miền nam, là tình cảm của Đảng, Bác Hồ, của nhân dân miền bắc gửi gắm tới đồng bào, chiến sĩ miền nam.

Chuyến trở lại ý nghĩa

Mười năm trước, vào năm 2009, chúng tôi may mắn được cùng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn huyện Vĩnh Linh do đồng chí trung tá Trần Anh Don, làm Trưởng ban trở lại điểm mốc lịch sử khe Hó. Ngay bản thân đồng chí Don cũng thừa nhận, đó là lần đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, mới có dịp trở lại nơi này. Những ngày kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn trời Quảng Trị cũng nắng rực lửa như hôm nay. Đồng chí Trần Anh Don lúc ấy đã 79 tuổi. Đường vào khe Hó sau khi đi hết đường ô-tô phải đi bộ gần 6km đường rừng nên bà Trần Thị Hoan, vợ đồng chí Don lo ngại chồng mình tuổi cao, không đủ sức khỏe nên không muốn để chồng tham gia. Quyết tâm phải trở lại khe Hó bằng được, đồng chí Don giấu vợ để đi.

Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn huyện Vĩnh Linh lần đầu trở lại khe Hó vào năm 2009.

Sáu giờ sáng, chúng tôi tập trung tại nhà đồng chí Lê Hữu Hoành, Phó Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn huyện Vĩnh Linh để xuất phát. Đến xã miền núi Vĩnh Hà, xuống ô-tô, chúng tôi đi bộ vào khe Hó. Trong đoàn ai cũng phấn khởi vì chuẩn bị đến điểm mốc lịch sử nên quên hết mệt mỏi dọc đường. Đúng 12 giờ trưa, đoàn tìm ra vị trí khe Hó, vẫn nằm giữa khu rừng già, còn dấu tích của đoạn đường đi bộ. Tại đây, chúng tôi phất cờ Tổ quốc, cất cao bài hát Bước chân trên dãy Trường Sơn: “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/Đá mòn mà đôi dép không mòn/Ta đi nhằm phương nam gió ngàn/Đưa chân ta về quê hương… Con đường nam bắc thiêng liêng tình nghĩa”.

Hôm ấy, sau khi từ khe Hó trở về thị trấn Vĩnh Linh, đồng chí Don do tuổi cao nên hơi bị mệt, phải nằm nghỉ lại ở nhà của Phó ban Lê Hữu Hoành, đến chiều tối mới về nhà và vẫn giấu vợ là đi họp trên huyện về. Bây giờ ngồi kể lại kỷ niệm ấy, bà Hoan mắng yêu chồng, đó là lần duy nhất vì quá yêu khe Hó nên ông dối tôi. Khi còn sống, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên rất quý vợ chồng đồng chí Don. Mỗi lần có dịp về Quảng Trị công tác, Tư lệnh lại tìm về ngôi nhà nhỏ ở xóm Nhà Tài, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh để thăm gia đình đồng đội.

Phóng viên Báo Nhân Dân tặng quà hai đồng chí Trần Anh Don và Lê Văn Hoành.

Trong những ngày này, khi cả nước kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, đồng chí Don xúc động khi chúng tôi phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị về thăm và tặng quà. Đồng chí rất vui mừng vì luôn được các cấp, ngành quan tâm, nhớ đến những người đi mở đường Trường Sơn. Tuy nhiên, không giấu được sự băn khoăn vì khe Hó đã được Chính phủ công nhận là một điểm thuộc tỉnh Quảng Trị, nằm trong hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn, song đến nay vẫn chưa được tôn tạo cho đúng tầm. Chưa có đường ô-tô đi vào, rừng rậm chung quanh còn lại 10 năm trước nay đã bị phá đi để trồng lại tràm.

Đồng chí Trần Anh Don đề nghị tỉnh Quảng Trị quan tâm đầu tư, tôn tạo khe Hó trở thành điểm đến hấp dẫn, nhằm góp phần phục vụ du khách cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết hơn nữa về những công việc ý nghĩa, sự hy sinh mất mát của thế hệ cha ông đã ngã xuống cho đất nước được thống nhất, hòa bình, hạnh phúc; để biết hơn nữa về một tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương đến tiền tuyến có quy mô lớn, thời gian hoạt động kéo dài như tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, một nhân tố có ý nghĩa chiến lược quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn để ngàn đời tạc sử Trường Sơn.

Đồng chí Lê Đức Tiến, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2000, nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng, đoạn đi qua tỉnh Quảng Trị có hai nhánh đông và tây. Nhánh đông đi qua huyện Vĩnh Linh, Gio Linh; nhánh tây đi qua huyện Hướng Hóa và Đác Rông với tổng độ dài các nhánh hơn 200 km, thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương có con đường ý nghĩa này đi qua.

 

LÂM QUANG HUY

356 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 746
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 746
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 75987709