Đến bảo tàng Thành cổ Quảng Trị những ngày tháng 7, du khách thập phương khá ấn tượng với một bức ảnh trắng đen chụp một ông lão mình trần lái đò và một cô gái trẻ ôm chắc khẩu súng để đưa bộ đội vượt sông của nhà báo Đoàn Công Tính chụp lúc diễn ra cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Một nhân viên bảo tàng cho tôi biết, ông cụ trong ảnh tên là Nguyễn Còn (quê ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và người thiếu nữ trẻ là bà Nguyễn Thị Thu (Sinh năm 1954 – con dâu cụ Còn).
Theo nguồn thông tin quý giá này, tôi đã tìm về làng Giang Hến (nay là tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và đã tìm gặp được bà Nguyễn Thị Thu. Hơn 45 năm trôi qua, cô gái trẻ trong tấm hình giờ đã lên chức bà nội, bà ngoại.
Ngồi nói chuyện với bà Thu tại căn nhà cấp 4 với đầy ắp những kỷ vật về cuộc chiến ác liệt 45 năm về trước, chúng tôi được bà kể về những ký ức của mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Bà Thu kể, năm 1972, với âm mưu “Bắc tiến”, đế quốc Mỹ dốc toàn lực hòng chiếm lại Thành cổ Quảng Trị trong 10 ngày. Trước tình hình này, quân ta phải huy động lực lượng để chống địch bảo vệ bằng được Thành cổ. Thời điểm đó, con đường duy nhất để đưa bộ đội sang sông là dùng đò vượt sông Thạch Hãn. Tuy nhiên, đây là việc làm hết sức khó khăn và nguy hiểm.
Năm ấy, bà Thu mới chỉ tròn 18 tuổi và mới tham gia du kích được chừng 3 tháng. Bà được tin tưởng giao nhiệm vụ giao liên và cùng cha chồng sắp cưới (cụ Nguyễn Còn) chèo đò chở bộ đội qua sông.
Trong trí nhở của bà Thu, cụ Còn vốn xuất thân làm nghề cào hến nên thông thuộc mọi đoạn nông sâu của dòng Thạch Hãn. Ngày ấy, máy bay Mỹ bay lượn suốt ngày trên mặt sông. Dòng Thạch Hãn lúc nào cũng đục, sệt một màu vàng ố do bom đạn trút xuống như mưa.
Có lần, khi đang làm nhiệm vụ thì bị địch phục kích, các chiến sĩ bộ đội nói hai cha con bà Thu nhảy xuống bơi vào chỗ an toàn nhưng cả hai người quyết bám đò để hoàn thành nhiệm vụ.
Bà Thu kể, dòng Thạch Hãn trong suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đã trở thành tuyến đường huyết mạch đưa quân giải phóng vào chiến trường. Trong những lần trên đò vượt sông, có rất nhiều chiến sĩ của ta đã mãi mãi nằm lại.
“Những chiến sĩ của ta ngày đó còn rất trẻ, có người mới vừa mười tám đôi mươi. Tôi nhớ có lần chở thương bệnh binh về tuyến sau, khi đò đã cập bến an toàn thì có một chiến sĩ trẻ chỉ kịp kêu lên tiếng: Mẹ ơi đau quá… rồi trút hơi thở cuối cùng”, bà Thu nhớ lại.
Những ký ức về chiến tranh, bom đạn và sự hi sinh của những đồng đội khiến bà Thu nhớ mãi.
Giữa tháng 9/1972 trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thảnh Cổ kết thúc. Khi đất nước thống nhất, bà Thu và cụ Còn lại quay về với cuộc sống đời thường. Năm 1976 bà Thu mới chính thức lấy ông Nguyễn Cầu (con trai cụ Còn), ông bà cưới được 2 năm thì cụ Còn mất vì tuổi cao, sức yếu.
Bà Thu cũng cho biết, không hề biết tấm ảnh chụp bà và cụ còn được in trên các báo. Sau này, qua một người cùng làng thì mới biết tấm hình đó được in lớn trên báo và cả sách, được treo trang trọng trong bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.
Hai vợ chồng bà Thu lặng lẽ cắt một tấm hình trên báo, đóng khung rồi treo trang trọng ở trong nhà vừa để làm kỷ niệm vừa làm ảnh thờ cho cha.
Năm 2007 khi nhà báo Đoàn Công Tính tìm gặp lại, hai người mới nhận ra nhau. Bức hình được ông Tính in lớn rồi tặng cho gia đình. Đến nay cả hai tấm ảnh cũ và mới đều được gia đình treo ở trong nhà.