Ảnh minh họa (Nguồn: tienphong.vn)
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Hứa Văn Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh về giải pháp giải quyết những khó khăn tồn tại giữa doanh nghiệp và nhà trường để mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trở nên chặt chẽ và hiệu quả.
Đại biểu Hứa Văn Nghĩa nêu vấn đề: Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nghề một trong ba khâu đột phá của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được Bộ LĐ-TB&XH xác định tăng cường hợp tác gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng nhằm tạo việc làm bền vững cho người sau tốt nghiệp. Song thực tế triển khai thực hiện, nhiều doanh nghiệp chưa mấy mặn mà, còn phía nhà trường vẫn thiếu chủ động trong liên kết đào tạo nghề cho sinh viên.
Đại biểu chất vấn: “Trong thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp nào giải quyết những khó khăn tồn tại giữa doanh nghiệp và nhà trường để mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trở nên chặt chẽ và hiệu quả".
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực tế hiện nay, việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập như đại biểu nêu. Doanh nghiệp không mặn mà tham gia hoạt động GDNN; nhà trường khó khăn khi tìm đến doanh nghiệp; việc gắn kết giữa hai bên đã có nhưng mang tính nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững.
Để giải quyết những khó khăn, nâng cao hiệu quả trong việc gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã và đang triển khai nhiều giải pháp.
Trong đó, đáng chú ý, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký kết Chương trình phối hợp công tác với VCCI, một số Hiệp hội, Tập đoàn, Tổng công ty lớn (VCCI thành phố Hồ Chí Minh; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam; Hiệp hội bán lẻ Việt Nam; Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Hội thương gia Đài Loan; các tập đoàn lớn như: Mường Thanh, FPT,...) nhằm điều phối, kết nối các hoạt động, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN. Từ đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tham gia hoạt động GDNN từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, thực hành, thực tập, đánh giá kết quả và tuyên dụng.
Mặt khác, tại các cơ sở GDNN, ngay từ đầu năm 2018, nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện ký kết các hợp tác, hợp đồng đào tạo theo đặt hàng, đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp. Ví dụ: Trường Cao đẳng nghề Dung Quất, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức ký kết các hợp đồng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh với nhu cầu là trên 16.000 nhân lực cho giai đoạn 2018 - 2020; Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã ký hợp tác với trên 50 doanh nghiệp về đào tạo, cung ứng nhân lực; Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, Thành phố Hồ Chí Minh liên kết, hợp tác đào tạo với 157 doanh nghiệp đối tác, nhận đặt hàng đào tạo cho nhiều doanh nghiệp;…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, do gắn kết được với doanh nghiệp nên rất nhiều cơ sở GDNN đã cam kết hoàn trả kinh phí cho người học nếu không có việc làm; cam kết về mức lương, thu nhập tốt sau tốt nghiệp. Một số trường cam kết việc làm như: Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, Trường CĐN Công nghệ Cao Hà Nội, Trường CĐN Du lịch Vũng Tàu, Trường CĐN Công nghệ Việt Hàn - Bắc Giang, Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, Trường CĐ Kỹ nghệ 2, Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất...
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh tăng cường gắn kết giữa GDNN với doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm.
Theo đó, nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo.
Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; hình thành và tăng cường chất lượng hoạt động của các trung tâm quan hệ doanh nghiệp trong các cơ sở GDNN để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng lao động.
Phát huy vai trò của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển GDNN; tham gia các hoạt động GDNN.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn kết với doanh nghiệp, xây dựng cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo, điều kiện thực tập tại doanh nghiệp và đóng góp tài chính nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của chính doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực GDNN. Giải pháp tốt nhất để thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực GDNN là tác động để chính doanh nghiệp nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp khi họ tham gia vào lĩnh vực này.
Các cơ sở GDNN cần tích cực chủ động hợp tác với các doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau để doanh nghiệp có thể tham gia tích cực hơn vào hoạt động GDNN.../.
Minh Duyên