Quảng Trị vùng đất có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, có nét văn hóa đặc sắc, phong phú, đa dạng, đó là điều kiện, tiềm năng, thế mạnh cho phát triển ngành du lịch của tỉnh. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã để lại trên địa bàn Quảng Trị một hệ thống di tích lịch sử cách mạng có quy mô và tầm cỡ lớn, đã không chỉ tạo ra ưu thế vượt trội, đặc sắc riêng của vùng đất này mà còn là ưu thế để phát triển du lịch. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, tính đến nay, trên địa bàn Quảng Trị có 524 di tích, trong đó: 04 di tích quốc gia đặc biệt (gồm 30 di tích thành phần); 21 di tích quốc gia; 473 di tích cấp tỉnh. Trong số 473 di tích cấp tỉnh có 445 di tích lịch sử cách mạng.
Đây là những di sản vô cùng quý báu, nếu khai thác tốt sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch của địa phương. Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm qua, việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được coi là hướng đi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng trong thời gian tới. Chính vì vậy, Quảng Trị tập trung công tác bảo tồn, phát huy giá trị các giá trị các di tích lịch sử cách mạng gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn, thông qua nhiều hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, mang lại lợi ích cho toàn thể nhân dân. Bên cạnh đó để bảo đảm vừa bảo tồn được, vừa quảng bá đúng, đầy đủ giá trị di tích lịch sử cách mạng, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, để họ hiểu và biết đầy đủ về giá trị các di tích lịch sử cách mạng; đồng thời tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch tại một số điểm, phát triển mô hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt, Quảng Trị là điểm kết nối của ba tuyến du lịch lớn là: Lộ trình xuyên Việt; Trục hành lang kinh tế Đông – Tây; Con đường Di sản miền Trung. Với lợi thế này đã giúp cho Quảng Trị trong việc quảng bá các di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh. Những di tích lịch sử cách mạng là một thành tố quan trọng để Quảng Trị có “thương hiệu” du lịch trong nước và khu vực.
Từ năm 2005, xuất phát từ nhu cầu của rất nhiều du khách trong nước, quốc tế và những người đã đóng góp một phần xương máu, những năm tháng tuổi trẻ ở Quảng Trị muốn đến thăm nơi từng thấm đẫm máu của hàng vạn chiến sỹ, đồng bào của mọi miền đất nước trên từng tấc đất vùng này nên một số tour du lịch mới đã được ra đời cũng trên nền tảng của hệ thống di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng một thời của Quảng Trị mang tên: Du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội; Du lịch tâm linh... Đây là điểm nhấn quan trọng có tính chất khẳng định một thương hiệu du lịch mới được các lữ hành trong nước và quốc tế quan tâm hưởng ứng.
Nhìn chung, thông qua các hoạt động bảo tồn di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch đã đem lại những kết quả tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn thu ổn định cho người dân ở trên địa bàn tỉnh. Từ những thực tế trên, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa nói chung và các Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân. Thực hiện hiệu quả nghiêm túc Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với những nét đặc trưng riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán của địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và công tác bảo tồn các giá trị di tích lịch sử cách mạng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhất là đối với thế hệ trẻ để có sự hiểu biết sâu sắc và có ý thức tự hào về truyền thống của dân tộc, từ đó có những hành động cụ thể trong hoạt động giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Nâng cao nhận thức và ý thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong phát triển văn hóa, bồi dưỡng con người thông qua việc đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa, nhất là đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị các di tích lịch sử cách mạng truyền thống thống qua việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 31 tháng 7 năm 2013 “Về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2013 – 2020”.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, du lịch nhằm ổn định và duy trì môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh. Thường xuyên chú trọng xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập để trở thành lực lượng then chốt trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Xã hội hóa việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng. Đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng cần phải gắn liền với nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp; nâng cao trình độ đội ngũ quản lý, chuyên môn ở các cấp. Các cơ quan chức năng văn hóa phải giữ vai trò quản lý, hướng dẫn theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Các tổ chức, cá nhân được tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhưng phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Triển khai, thực hiện hiệu quả xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng.
Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng; duy trì các phong tục, tập quán tốt đẹp vừa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa khai thác phát triển du lịch bền vững cho tương lai.
Như vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gắn với phát triển du lịch vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ có tính lâu dài góp phần nâng cao ý thức bản sắc dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa bền vững góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn