Đập đất hồ Triệu Thượng 2 đang đứng trước nguy cơ bị vỡ rất cao. Ảnh: Thanh Tùng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Trị đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp đối với hồ chứa nước này.
Báo cáo ngày 5/12 của Công ty TNHHMTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị gửi Tổng cục Thủy Lợi (Bộ NN&PTNT) nêu rõ: Do ảnh hưởng của mưa bão năm 2017, đập Triệu Thượng 2 đã bị hư hỏng thêm, nếu không được sửa chữa kịp thời thì nguy cơ võ đập là rất lớn; ảnh hưởng trực tiếp đến 3.000 người dân, 730 ha đất canh tác cùng nhiều công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật vùng hạ du.
Ngày 1/12/2017, Sở NN&PTNT Quảng Trị có tờ trình gửi UBND tỉnh này về việc công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Triệu Thượng 2. Theo đó, từ cuối tháng 7 đến 25/10/2017, do mưa lũ phức tạp, hồ Triệu Thượng 2 đã tích nước đầy và tràn đã làm việc.
Theo kết quả giám định nguyên nhân sự cố, đây là thời điểm tiềm ẩn nhiều tác động bất lợi, gây mất an toàn đối với đập đất, dẫn đến nguy cơ mở rộng vết trượt mái hạ lưu đập chính hồ Triệu Thượng 2. Hiện cao trình vết trượt còn cách đỉnh đập 2,0 m, nguy cơ vỡ đập rất cao. Hồ chứa Triệu Thượng 2 được xây dựng từ năm 1989, là một trong 48 hồ chứa nước lão hóa, hư hỏng, xuống cấp, thường trực nguy cơ mất an toàn đối với vùng hạ du trong mùa mưa lũ.
Cùng với đó, tuy đã được phản ánh nhưng đến thời điểm này, Công trình đập dâng Nam Thạch Hãn, phục vụ tưới tiêu cho 15.000 ha lúa và đất đai canh tác của các huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị vẫn không được cải thiện. Công trình thủy lợi này được xây từ năm 1978, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, thường trực nguy cơ mất an toàn. Tháng 10/2016, một trận lũ lớn đã cuốn phăng gần 1.000 m3 bê tông cốt thép kết cấu của con đập. Nước lũ cũng xói sâu tạo thành nhiều hốc rỗng trong thân đập khiến công trình đập dâng có tuổi đời gần 40 năm này thêm rệu rã.
Ông Nguyễn Sinh Công, phó tổng giám đốc Công ty thủy lợi Quảng Trị cho biết, khó khăn lớn nhất để duy trì nhiều hồ chứa được xây dựng từ cách đây 30, 40 năm là kinh phí. Công ty được giao quản lý, khai thác 16 hồ chứa với tổng dung tích 190 triệu m3 nước, 8 đập ngăn mặn, 27 trạm bơm lớn nhỏ, phục vụ cho 31.000 ha lúa và đất canh tác của tỉnh Quảng Trị. Nhiều công trình đập, hồ chứa có tuổi thọ cao đã xuống cấp nhưng không có kinh phí đầu tư. Theo quy định, các hồ, đập dâng có dung tích 10 triệu m3 trở lên, cứ sau 10 năm phải tiến hành kiểm định an toàn bằng phương pháp khoa học nhưng do thiếu kinh phí nên đơn vị được giao quản lý, khai thác chỉ có thể đánh giá bằng trực quan.
Thanh Tùng