Gần 1.000 ngày đêm giữ ‘mắt thần trên biển’ 

(Chinhphu.vn) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Lê Hữu Trạc là người đã có gần 1.000 ngày đêm cùng đồng đội bám trụ trong “mưa bom bão đạn” để giữ đảo Cồn Cỏ, nơi được xem là “mắt thần trên biển”.

 

Ông Lê Hữu Trạc tại buổi đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND - Ảnh do nhân vật cung cấp

Anh hùng LLVTND Lê Hữu Trạc sinh năm 1941 tại thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Tháng 4/1962, khi vừa bước qua tuổi 20, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Lê Hữu Trạc lên đường nhập ngũ vào Đại đội 1 (Đại đội Lê Hồng Phong), Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Đại đội Lê Hồng Phong là đơn vị bảo vệ giới tuyến 17, vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn được xem như những hạt giống đỏ của Trung đoàn 270.

Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc, đảo Cồn Cỏ luôn nằm trong tầm ngắm đánh phá của máy bay, tàu chiến địch, bởi lúc bấy giờ địch xem đảo Cồn Cỏ như “mắt thần trên biển”. Đại đội Lê Hồng Phong nhận lệnh của cấp trên lựa chọn một Trung đội lên đường ra giữ đảo Cồn Cỏ.

Tháng 7/1965, khi đang là Trung đội phó, Lê Hữu Trạc cùng các đồng đội trong đơn vị của mình đã viết tâm thư bằng máu xung phong ra đảo với tinh thần bất khuất như lời thơ của nhà thơ Tố Hữu “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/Vui gì hơn bằng người lính đi đầu”.

Trong quá trình chiến đấu và công tác, ông Lê Hữu Trạc được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã có Quyết định số 621/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Lê Hữu Trạc.
 

Anh hùng LLVTND Lê Hữu Trạc kể lại: “Buổi tối họp anh em lại, tôi nảy ra sáng kiến, toàn bộ Trung đội 30 người, cùng cắt trọc tóc để thể hiện quyết tâm lên đường chiến đấu của mình. Cấp trên hỏi vì sao Trung đội tôi lại cắt trọc tóc, tôi trả lời: Ra đảo muôn vàn khó khăn, nước đôi khi không có để uống, chúng tôi cắt tóc để tiết kiệm nước dùng cho tắm rửa, vệ sinh. Cấp trên thấy tinh thần quyết liệt của chúng tôi nên đã đồng ý".

Kế hoạch là luân phiên 2 tháng, nhưng khi ra đến đảo thì chiến sự ác liệt, thiếu thốn vô cùng. Không quân, Hải quân Mỹ bao vây đảo 24/24 giờ. Nằm ngoài dự kiến, chúng tôi đã bám trụ ở đây gần 3 năm, thay vì 2 tháng.

Có lúc địch đưa tàu bao vây đảo, suốt 6 tháng liền các tàu tiếp tế của ta không thể ra đảo, ông luôn động viên đồng đội: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo”.

Vấn đề khó khăn nhất ở các đảo nhỏ giữa biển luôn là nước ngọt. Có thời điểm bộ đội phải chặt chuối rừng vắt nước uống. Nếu không có sự đùm bọc, hy sinh lớn lao của quân và dân địa phương; không có sáng kiến đào địa đạo của Đại tá Trần Văn Thà, đảo trưởng Cồn Cỏ (1965-1967) thì chúng tôi khó lòng hoàn thành nhiệm vụ”.

Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1965-1968, các đơn vị bộ đội đóng trên đảo Cồn Cỏ đã bắn hạ được 48 máy bay (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch.

Đảo nhỏ Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng; Năm 1966, ông Lê Hữu Trạc và đồng đội trên đảo Cồn Cỏ vui mừng nhận thư khen ngợi, động viên của Bác Hồ.

Năm 1968, ông được điều động trở lại đất liền nhận nhiệm vụ Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong.

Vẫn vẹn nguyên khí thế chiến đấu mang về từ đảo Cồn Cỏ, ông tiếp tục xây dựng Đại đội Lê Hồng Phong trở thành Đại đội Anh hùng (1968).

Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông đã triển khai lực lượng đánh sập cầu Bến Ngự, cắt đứt việc chi viện bằng đường bộ từ cảng Cửa Việt lên chiến trường đường 9 - Khe Sanh. Có thời điểm cả tuần liền không một chiếc tàu nào lọt qua lưới hỏa lực của ta để tiếp tế cho chiến trường đường 9 - Khe Sanh.

Tháng 5/1968, ông được phân công làm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Quân khu IV. Trong chuyến đi khảo sát địa hình, ông và đồng đội không may vướng bom Mỹ. Một chiến sỹ hy sinh, còn ông bị bom hất tung và mù hai mắt.

Mặc dù bom đạn đã lấy đi đôi mắt, nhưng niềm tin, ngọn lửa yêu nước vẫn mãi cháy trong tim ông. “Giặc có thể cướp đi ánh sáng thiên nhiên, nhưng ánh sáng chân lý sẽ mãi không bao giờ tắt”, ông Lê Hữu Trạc nói.

Trở về sau hòa bình, người cựu chiến binh Lê Hữu Trạc luôn tự nhủ mình “thương binh tàn nhưng không phế”. Năm 2.000, ông đã làm tờ trình gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thành lập Hội Người mù của tỉnh. Từ khi có Hội Người mù, hàng trăm thương binh bị mù hoặc con em thương, bệnh binh, cũng như nhiều cháu bị mù lòa đã có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân mình.

Năm nay bước qua tuổi 78, với hơn 55 năm tuổi Đảng, hằng ngày ông vẫn thường xuyên trò chuyện, động viên con em gia đình nghèo trong thôn xóm chăm chỉ học hành, xây dựng cho đất nước giàu mạnh. Ông vẫn kể chuyện về gần 1.000 ngày đêm cùng đồng đội bám trụ trong mưa bom bão đạn để giữ đảo Cồn Cỏ, những ngày đánh chặn đứng tiếp viện của địch ở đường 9-Khe Sanh và đặt biệt, ông kể về những người đồng đội thân yêu của ông đã anh dũng hi sinh ở lứa tuổi xanh xuân để giữ gìn biển đảo, góp phần mang độc lập, hòa bình cho đất nước.

 Hương Ngọc

462 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 573
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 573
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88305387