FDI: Động lực cải cách và nâng tầm quản trị doanh nghiệp 

(Chinhphu.vn) - Cùng với FDI, tiến trình hình thành nên một lực lượng các nhà quản trị doanh nghiệp (DN) cao cấp ở Việt Nam đã được rút ngắn rất nhiều.

 

Ảnh minh hoạ

Cải cách thể chế

Sau hơn hơn 3 thập kỷ đổi mới và tròn 30 năm kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã thực sự khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, FDI đang chiếm hơn 20% GDP, chiếm quá nửa sản lượng sản xuất công nghiệp, góp gần 70% kim ngạch xuất khẩu và tạo ra hàng chục triệu công ăn việc làm, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Một lan tỏa khác của FDI là đã trở thành động lực để Việt Nam hoàn thiện dần thể chế pháp luật và bộ khung chính sách theo hướng ngày càng tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế. “FDI đã góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đẩy hệ thống luật pháp trong nước tương thích và hội nhập nhanh hơn với thế giới”, TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế Thủ tướng nhận định.

Thực vậy, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời năm 1987, rồi tiếp đó là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Du lịch (cùng ra đời năm 2005), Luật Cạnh tranh (2004), Luật Phá sản (2004), Luật Công nghệ cao (2008), Luật Sở hữu trí tuệ… cùng hàng loạt Luật khác liên quan tới các sắc thuế, tới thu nhập DN, thu nhập cá nhân, nhà đất…, các hoạt động đầu tư nước ngoài đã dần được điều chỉnh bởi khung pháp lý theo quan điểm mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với nhu cầu ngày càng cao của các dòng chu chuyển hàng hóa và “thúc giục” từ khối FDI, Hải quan điện tử đã ra đời như một bước ngoặt xúc tiến quá trình tạo thêm thuận lợi thương mại cho cộng đồng các nhà đầu tư nói chung. Các vấn đề cấp bách về hạ tầng giao thông - đô thị của các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được mạnh dạn đầu tư giải quyết. “Chính yêu cầu của Intel về chất lượng nguồn điện (điện áp) để sản xuất vi mạch bán dẫn nên hạ tầng cấp điện tại TPHCM đã được đầu tư lớn và liên tục cải thiện suốt những năm qua”, PGS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM nhận xét.

Nâng tầm quản trị doanh nghiệp

Quả thật, cùng với FDI, tiến trình hình thành nên một lực lượng các nhà quản trị DN cao cấp ở Việt Nam đã được rút ngắn rất nhiều, thay vì phải mất hàng trăm năm như các nước phát triển từng kinh qua trước đây, đặc biệt là trong khu vực DN tư nhân. Và nói như ông Phạm Phú Ngọc Trai, người Việt Nam đầu tiên nắm giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Pepsico Đông Dương - một trong những DN FDI có mặt sớm nhất khi Việt Nam mở cửa - thì sự thành công nhất định của một DN nước ngoài là đã trực tiếp tạo ra “lò” đào tạo nhân lực cấp cao. “Điều khiến tôi tự hào nhất cho những năm tháng làm việc tại DN này chính là góp phần xây dựng được đội ngũ những nhà quản trị DN tiên phong cho đất nước”.

Gặp gỡ những người từng được mệnh danh là “người làm thuê cao cấp” cho FDI, cũng không khó để người ta nhận thấy sự trưởng thành và bản lĩnh của một thế hệ được trui rèn trong môi trường quốc tế.

Đối với Lê Trung Thành - người từng là Phó chủ tịch PepsiCo, Giám đốc Ngành hàng Unilever rồi sau đó “đầu quân” về với Tập đoàn Viễn Thông Quân đội Vietel sau 15 năm “tầm sư học đạo” thì quãng thời gian trải nghiệm ở các DN nước ngoài là những ký ức đẹp khó quên. “Làm việc với người nước ngoài khiến tư duy và nhân sinh quan của tôi thay đổi rất nhiều, giúp dần hình thành phương châm làm việc tích cực, biết nhìn xa trông rộng hơn”, ông Thành đúc kết.

Với một cái tên khá nổi tiếng khác là Nguyễn Anh Nguyên - chàng kỹ sư điện “chạy” sang học lập trình, nhờ “bén” duyên với Unilever thời mở cửa mà đã dần trở thành thủ lĩnh công nghệ thông tin của Tập đoàn này tại Việt Nam - khoảng thời gian làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài đã hình thành nên “máu” của người thủ lĩnh, sáng tạo và biết chấp nhận rủi ro, dám làm dám chịu. “Ở DN như nơi tôi đã từng qua, bạn sẽ được giao những nhiệm vụ tưởng chừng không bao giờ làm được. Bạn được tin tưởng trao cho nguồn lực cần thiết, được gợi ý và hỗ trợ để thực hiện tới cùng thách thức đó. Và quan trọng là bạn không bị phạt khi thất bại”, nhà quản lý cấp cao một thời tại Unilever chia sẻ và tin rằng tư tưởng quản trị ấy đã tồn tại cùng các “đế chế” FDI hàng trăm năm tuổi nghĩa là đã được lịch sử sàng lọc để đạt tới sự hợp lý nhất định.

Mảng “xám” cần xóa dần

Tất nhiên, không phải ở mọi trường hợp, các DN nước ngoài đều mang đến thành tựu về cải cách chính sách và nguồn nhân lực cho Việt Nam. Khung pháp lý chưa đủ mạnh ở giai đoạn đầu của đổi mới đã vấp phải thách thức trước các hiện tượng chuyển giá, gian lận thuế, lách luật. “Có những DN lỗ hoài mà vẫn xin mở rộng đầu tư, nâng cấp, tăng công suất. Đây chính là dấu hỏi lớn. Điều này còn gián tiếp hình thành hành vi gian lận xấu xí trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn “phê”.

Báo cáo sơ bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM về Tổng quan 30 năm thu hút Đầu tư nước ngoài nhìn nhận “có tình trạng đề nghị cấp phép đầu tư nhưng thực chất năng lực tài chính và năng lực chuyên môn triển khai dự án của các nhà đầu tư không đảm bảo; hoặc nhà đầu tư có chủ ý chây ỳ nhằm tìm cơ hội chuyển nhượng dự án để thu lợi nhuận. Khi bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý thì tìm cách kéo dài bằng việc lợi dụng các hình thức khiếu nai, kiện tụng, gây áp lực bằng con đường ngoại giao…”.

Cũng có những nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa tìm hiểu kỹ quy định pháp luật Việt Nam nên dẫn tới các vi phạm về đầu tư kinh doanh. Mà phổ biến nhất là vi phạm pháp luật về ngoại hối.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế tại Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), để Việt Nam xóa dần “mảng xám”, không có cách nào khác ngoài việc phải thay đổi tích cực toàn bộ quá trình quản lý nhà nước với FDI, từ lúc xúc tiến đầu tư, thẩm định cấp phép, tới triển khai dự án.

TS Trần Hoàng Ngân thì tin là khâu quản lý nhà nước khi dự án FDI vận hành thực sự quan trọng. “Đầu tiên vẫn phải nâng tầm đạo đức và kỹ năng của cán bộ làm công tác giám sát thuế, tài chính; liên kết được các cơ quan chức năng về thuế, hải quan ở phạm vi toàn cầu để hạn chế chuyển giá”.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương TS Võ Trí Thành còn cho rằng Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực tạo dựng một thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực, thông lệ tốt nhất có thể. Đặc biệt là tạo điểm nhấn trong đột phá thể chế cho những khu vực có lợi thế về vị trí địa lý (điển hình như các đặc khu kinh tế) cũng như xây dựng một hệ thống khuyến khích có ý nghĩa trong dài hạn.

Tạm “sơ kết” 30 năm thu hút FDI, cùng với nhiều mảng “sáng” đáng trân trọng, vẫn còn đó những khoảng “xám” cần xóa dần. Và nói gì thì nói, FDI đã và sẽ vẫn là một khu vực quan trọng với tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam.

Phương Hiền

355 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 706
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 706
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77180376