FDI cũng có nhiều doanh nghiệp ‘vốn mỏng’ 

(Chinhphu.vn) - Chiều 28/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã làm việc tại Bộ Tài chính về thực trạng tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), chính sách ưu đãi thuế, tài chính với khối doanh nghiệp này hiện nay.

Đây là cuộc họp cuối cùng trong chuỗi hoạt động dài một tháng qua của Phó Thủ tướng với các địa phương nhằm định hướng chính sách thu hút, sử dụng FDI trong giai đoạn 10 năm tới của đất nước.

Bên cạnh những vấn đề liên quan tới phát huy vai trò của FDI đối với nền kinh tế trong nước, khắc phục những bất cập trong giải quyết các tồn tại của đô thị, xã hội và chuyển giao công nghệ, các thủ tục, quy trình mở rộng đầu tư dự án..., Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành làm rõ các cơ chế tài chính mà chủ yếu là thuế để cơ cấu lại việc thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực; xử lý tình trạng doanh nghiệp FDI “vốn mỏng nhưng tay không bắt giặc”, đầu tư núp bóng...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết có 21.400 doanh nghiệp FDI hoạt động trên cả nước (chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp). Tổng hợp báo cáo tài chính của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ năm 2011- 2017 cho thấy quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2017, doanh thu tăng 28% so với năm 2016, cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu (14%) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI rất thuận lợi.

Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế, Bộ Tài chính nhận định khối này đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu (chiếm trên 70%), thu ngân sách nhà nước (chiếm 15%).

Bên cạnh đó, hạn chế là cơ cấu ngành/vùng của FDI chưa phù hợp, mới tập trung vào ngành sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng không cao, ở các vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi chưa vào các vùng khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ và lỗ mất vốn qua các năm tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ là trên 50%, tình trạng chuyển giá ngày càng phức tạp.

Ngay cả tốc độ tăng 7% về số nộp ngân sách của khối FDI thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế (19,2%) và lợi nhuận sau thuế (22%). Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân là doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư lớn về các ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Hiện nay, ưu đãi tài chính của Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và ưu đãi tài chính đất đai. Bên cạnh các tác dụng theo bản chất chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng cho rằng vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là mức ưu đãi cao, diện ưu đãi rộng đã làm suy giảm nguồn thu ngân sách ví dụ các ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số phải nộp trong 9 năm tiếp theo và một số trường hợp được áp dụng mức thuế 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án (trong khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 20%).

Mặc dù áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế nhưng khu vực FDI đang được hưởng ưu đãi nhiều hơn các thành phần doanh nghiệp khác: Tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp FDI được miễn, giảm trên tổng số thuế được miễn giảm là 76%. Tỷ lệ về thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước là 4,8%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 14%.

 

Ảnh: VGP/Thành Chung

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam không ổn định nên doanh nghiệp không dự tính được hiệu quả kinh doanh trong dài hạn, làm khó thu hút FDI; một số ngành thực hiện ưu đãi thuế chưa đạt được mục tiêu phát triển nội địa hoá và công nghệ cao...

Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đặt vấn đề: “Tại sao 52% doanh nghiệp FDI báo lỗ mà vẫn mở rộng hoạt động và tốc độ mở rộng cao hơn. Cái này rất quan trọng, chúng tôi sẽ báo cáo cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI là 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng là con số rất lớn thì người ta bỏ vốn thực không, tổng tài sản thực không? Samsung họ nói đã đầu tư 15 tỷ USD thì ta tính thế nào cho đúng 15 tỷ USD, trong khi đó họ cứ khấu hao tài sản thôi”.

Ông Dũng cũng chỉ ra hiện nay ở miền Trung có khu kinh tế được đầu tư hạ tầng đồng bộ sân bay, cảng biển, đường cao tốc giúp vùng này không còn khó khăn nữa nhưng doanh nghiệp đầu tư vào vẫn được hưởng khung chính sách cũ, ưu đãi hơn cả đầu tư ở Hà Nội. Do đó, Bộ trưởng Tài chính đặt vấn đề khó có thể thu hút được doanh nghiệp FDI đầu tư vào các vùng khó khăn khác như Tây Nguyên, phía bắc,...

“Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế hiện nay quá phức tạp, vừa ưu đãi ngành nghề, vừa ưu đãi theo lĩnh vực hoạt động, dự án đầu tư, khu công nghiệp, sản phẩm, quy mô dự án, số lượng lao động nữ... cũng phải đánh giá lại nghiêm túc hơn”, vẫn theo ông Đinh Tiến Dũng.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng dẫn số liệu đáng chú ý về tình trạng doanh nghiệp FDI vốn mỏng “tay không bắt giặc”. Qua kiểm soát 140 doanh nghiệp có vốn vay gấp trên 4 lần vốn chủ sở hữu, bà Hồng cho biết 100% số doanh nghiệp này đều là FDI, cá biệt có doanh nghiệp có tỷ lệ gấp hàng trăm lần như Samsung Display, Capitalland Tower,...

Trong khi đó, xem xét các hạng mục khác của cán cân thanh toán, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết cổ tức chi cho các FDI ở Việt Nam rất lớn, khoảng 10 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước làm việc với Tổng cục thống kê để làm rõ hơn các số liệu liên quan.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi sử dụng đất cần xác định qua các thời kỳ khác nhau, không thể áp dụng như cũ. Tính toán thu hút FDI trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và tính toán áp dụng các giải pháp chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam cần có cơ chế ưu đãi linh hoạt hơn, kể cả biện pháp phi tài chính để thu hút các dự án lớn quan trọng từ các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở chính, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chú trọng hoàn thiện chính sách về sử dụng đất trong và ngoài khu công nghiệp, nâng cao hiệu suất đầu tư trên 1 ha đất sử dụng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng đầu tư và bảo đảm nhu cầu phát triển đô thị, xã hội.

Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư, khuyến khích họ tăng vốn chủ, giảm vốn vay khắc phục tình trạng vốn mỏng, cũng như cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá. Xây dựng hệ thống chuyên biệt trong Thanh tra thuế để xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả hơn; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia chia sẻ thông tin FDI từ đăng ký, đầu tư mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, chi phí.

Sau buổi làm việc này, Ban soạn thảo sẽ xây dựng dự thảo Đề án định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến, trước khi trình Bộ Chính trị vào tháng 4/2019.

Thành Chung

615 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1228
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1228
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87154164