EVNSPC: Chuyển đổi số là động lực để phát triển 

(Chinhphu.vn) - Thực hiện lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, đồng thời phấn đấu trở thành DN số vào năm 2025, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) xác định, để nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp điện an toàn, ổn định nhằm phát triển ngành điện bền vững, thì chuyển đổi số chính là động lực, đòn bẩy để thực hiện những mục tiêu trên.
 
EVNSPC: Chuyển đổi số là động lực để phát triển - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc EVNSPC Nguyễn Phước Đức - Ảnh: VGP/Minh Thi

Ông Nguyễn Phước Đức, Tổng Giám đốc EVNSPC đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về quá trình chuyển đổi số của Tổng công ty.

Xin ông cho biết, EVNSPC đã thực hiện lộ trình chuyển đổi số như thế nào trong quá trình triển khai đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Ông Nguyễn Phước Đức: Nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ các hệ thống CNTT, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, cũng như trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Vì vậy, EVNSPC đã luôn nhận thức đầy đủ nhiệm vụ, vai trò quan trọng của công cuộc chuyển đổi số xuyên suốt toàn bộ hoạt động của mình.

Với vai trò là một trong những thành viên trụ cột của EVN, EVNSPC đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số nhằm tận dụng hiệu quả nhất các thành tựu của công nghệ số để xây dựng được hệ sinh thái tích hợp với công nghệ hiện đại giải quyết các bài toán về quản trị DN trong quá trình hoạt động phát triển của EVNSPC, đồng thời đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trọng tâm theo đúng lộ trình, mục tiêu EVN đã ban hành.

Cụ thể, EVNSPC cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và trở thành DN số vào năm 2025, theo hướng các hoạt động của EVNSPC được số hóa, các hoạt động chưa tự động thành tự động và ứng dụng công nghệ số nhằm đạt các mục tiêu như hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động và năng lực quản trị.

Với sự quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, ban điều hành, phòng, ban chức năng và toàn thể cán bộ, công nhân viên, đến thời điểm hiện nay EVNSPC đã hoàn thành trên 97% khối lượng thực hiện của 5 lĩnh vực chuyển đổi số trọng tâm, đó là chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ và nâng cao năng lực hạ tầng số viễn thông, CNTT.

EVNSPC: Chuyển đổi số là động lực để phát triển - Ảnh 2.

Lễ hoàn thành giai đoạn 1, công trình đường dây 220 kV (Kiên Bình-Phú Quốc) - công trình đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220 kV dài nhất khu vực Đông Nam Á - Ảnh: VGP/Minh Thi

Ông có thể chia sẻ cụ thể về những kết quả mà EVNSPC đã đạt được trong quá trình chuyển đổi số vừa qua?

 Ông Nguyễn Phước Đức: Lộ trình chuyển đổi số vừa qua bước đầu đã có tác động sâu rộng tới toàn bộ quá trình hoạt động của Tổng công ty và đem lại những kết quả đáng mừng.

Đó là EVNSPC đã kết nối với các hệ thống quốc gia. Hoàn thành kết nối kỹ thuật tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin công dân bằng số CCCD/CMND với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối liên thông trục hệ thống văn bản điện tử nội bộ với Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và sẵn sàng hạ tầng để kết nối với UBND các tỉnh, thành phố phía Nam theo kế hoạch.

Đặc biệt, đã hoàn thành thiết lập hạ tầng CNTT để kết nối tới hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối với Tổng cục Thuế cùng trên 28 ngân hàng, tổ chức thanh toán để triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, giúp khách hàng thuận tiện trong các hoạt động kết nối với ngành điện và tham gia quá trình thúc đẩy phát triển xã hội số theo Chiến lược xhuyển đổi số quốc gia,

Trong các lĩnh vực quản trị điều hành, EVNSPC đã triển khai áp dụng hệ thống Văn phòng số (Digital office) đến toàn bộ 374 đơn vị trực thuộc. Kết quả đáng mừng là số lượng văn bản điện tử ký số toàn Tổng công ty trong 9 tháng năm 2022 đạt tỉ lệ 94,8% trên tổng số văn bản, góp phần tiết kiệm thời gian, tài chính. Đồng thời, 100% cán bộ, công nhân viên có chức trách đã được Tổng công ty, các đơn vị cấp chữ ký số để thực thi công tác hàng ngày; 100% hồ sơ được lập và lưu trữ trên môi trường điện tử.

Trong lĩnh vực kỹ thuật, EVNSPC đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS với dữ liệu đã được số hoá trên 1,7 triệu hồ sơ thiết bị lưới, trạm. Áp dụng sửa chữa bảo dưỡng khai thác hiệu quả thiết bị bằng ứng dụng phương pháp RCM/CBM, ứng dụng AI trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh quản lý vận hành lưới điện 100 kV…

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVNSPC đã áp dụng 100% gói thầu qua hệ thống đấu thầu điện tử của Bộ KH&ĐT, cùng hơn 80% dự án triển khai áp dụng quản lý hồ sơ điện tử. Ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh và áp dụng camera giám sát thông minh trên các công trường, từ đó không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn giúp cho công tác an toàn, thúc đẩy tiến độ các dự án tốt hơn.

Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng, chuyển đổi số có vai trò vô cùng quan trọng tới nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành điện. Theo đó, EVNSPC đã hoàn thành kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia để cung cấp các dịch vụ điện cấp độ 4 cho khách hàng; 21 công ty điện lực thành viên đã kết nối với Trung tâm Hành chính công theo các phương thức "một cửa liên thông" đáp ứng nhanh chóng nhu cầu sử dụng điện của người dân.

Các ứng dụng chăm sóc khách hàng thông minh qua app, Zalo… đạt tỉ lệ tăng trưởng 13-16% người dùng hàng quý. Đặc biệt trong công tác kiểm định, theo dõi chất lượng thiết bị đo đếm đã được hoàn thiện với dữ liệu cho trên 5 triệu công tơ điện tử.

Việc chuyển đổi từ hình thức hợp đồng, hồ sơ giấy tờ vật lý sang định dạng điện tử tại các đơn vị điện lực cũng đem lại sự cải thiện rất lớn đối với quy trình quản lý cung cấp dịch vụ điện theo hướng tiết kiệm tối đa chi phí, đạt hiệu quả cao trong công tác kinh doanh điện, với những lợi điểm như: Giảm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ hợp đồng, hồ sơ giấy tờ, giúp đơn vị tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh; giảm chi phí về nhân công, tiết kiệm nhân lực tham gia trong công tác cung cấp dịch vụ điện.

EVNSPC: Chuyển đổi số là động lực để phát triển - Ảnh 3.

EVNSPC đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS với dữ liệu đã được số hoá trên 1,7 triệu hồ sơ thiết bị lưới, trạm - Ảnh: VGP/Minh Thi

Với những kết quả đã đạt được như trên, cũng như các mục tiêu mà EVNSPC đang hướng tới trong công cuộc chuyển đổi số, khách hàng sử dụng điện sẽ được hưởng lợi gì, thưa ông?

 Ông Nguyễn Phước Đức: Trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, khi EVNSPC trở thành DN số vào năm 2025, việc nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ giúp khách hàng sử dụng điện được thụ hưởng nhiều quyền lợi và và lợi ích.

Đó là, ứng dụng công nghệ cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến đến khách hàng cá nhân, tổ chức DN. Qua internet, khách hàng có thể dễ dàng đăng ký sử dụng dịch vụ điện nhanh chóng thuận lợi. Ứng dụng công nghệ cải tiến công tác thanh toán tiền điện hướng đến thay đổi dần hình thức thanh toán tiền mặt với đa kênh thanh toán qua ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian. Đến nay, EVNSPC đã hợp tác kết nối với trên 30 tổ chức thanh toán trung gian với mục tiêu phấn đấu đưa tỉ lệ khách hàng nộp tiền qua các hình thức thanh toán điện tử trong giai đoạn 2022-2025 trên 90%.

Do ứng dụng công nghệ đo đếm điện năng tiên tiến, thông minh nên sẽ sử dụng công nghệ công tơ đọc và thu thập dữ liệu từ xa để cải tiến dịch vụ phục vụ khách hàng. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ chỉ tiêu rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng tại các công ty điện lực tỉnh thành phố như: Khảo sát chiết tính bằng máy tính bảng, ghi điện và gạch nợ bằng thiết bị di động, quản lý cấp điện cho khách hàng có sử dụng thiết bị di động… đáp thời gian phục vụ người dân, tổ chức, DN một cách tốt  nhất. Xây dựng các cơ sở dữ liệu, các trung tâm phục vụ khách hàng, phục vụ quản lý vận hành, điều độ vận hành hệ thống điện...

Đặc biệt, EVNSPC sẽ bám sát tiến độ xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử của 21 tỉnh, thành phố phía nam để chủ động kết nối liên thông một cửa đến hệ thống dịch vụ công của các UNBD địa phương nhằm đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp điện đối với khách hàng, đồng thời hoàn thành kế hoạch cải cách thủ tục  hành chính của ngành điện.

Với định hướng và cách tiếp cận theo lộ trình được Chính phủ, EVN đề ra, EVNSPC mong muốn dần dần đưa các ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí trong công tác sản xuất kinh doanh và cải cách hành chính đồng bộ ở các cấp nhằm thực hiện lộ trình đưa ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ điện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Minh Thi (thực hiện)

441 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 960
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 960
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87073045