Chương trình tiết kiệm điện của EVN SPC không chỉ góp phần tiết giảm hàng chục nghìn tỷ đồng chi phí đầu tư mà còn tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và giúp người dân hình thành thói quen sử dụng điện an toàn-tiết kiệm-hiệu quả.
Quản lý hệ thống điện tại 21 tỉnh thành phía Nam, những địa phương được đánh giá có tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội cao, trong giai đoạn 5 năm qua, đã đặt ra cho EVN SPC một thách thức mới về nhu cầu điện thương phẩm của các địa phương này với tốc độ tăng mạnh, lên tới 12%/năm.
Song song với việc xây dựng các giải pháp chiến lược để thực hiện hiện đại hoá ngành điện, nâng cao chất lượng phục vụ của ngành thì EVN SPC nhận thức rõ vai trò của công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả sẽ đảm bảo lượng điện sử dụng cũng như góp phần giảm chi phí cho người dân và ngành điện. Chính vì vậy, chương trình tiết kiệm điện đã có những kết quả tích cực, hiệu quả như ngày nay.
Trong 5 năm, EVN SPC đã thực hiện vượt chỉ tiêu tiết kiệm hằng năm là 1,5-2% điện năng so với sản lượng diện được giao với tổng sản lượng điện tiết kiệm được là 6.124 triệu kWh, trong đó tỉ lệ điện thương phẩm tiết kiệm ngày càng tăng từ 1,23% (năm 2011) lên 2,35% (năm 2016). Theo đó, chỉ riêng chương trình tắt đèn trong Giờ Trái đất, sản lượng điện tiết kiệm đã đạt 165.228 kWh năm 2011 và tăng lên 257.289 kWh năm 2016. Dự kiến năm 2017 chương trình này sẽ tiết kiệm được 300.829 kWh.
Để có được những con số ấn tượng nêu trên, EVN SPC đã triển khai rất nhiều chương trình đồng bộ và hiệu quả. Có thể nói đến đầu tiên chính là việc nâng cao công tác tuyên truyền cho người sử dụng điện cũng như truyền thông rộng rãi dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động tới cộng đồng để người dân thấy được vai trò và ý nghĩa to lớn của chương trình tiết kiệm điện.
Cụ thể như các chương trình “Ra tắt, vào bật”, “Ấp văn hoá tiết kiệm điện”, “Tuyến phố tiết kiệm điện”, tại Đồng Tháp đã giúp các hộ dân thực hiện chương trình tham gia thay đổi các thức sử dụng các thiết bị điện an toàn, hiệu quả và đã giúp giảm từ 5-8% sản lượng điện so với những tháng chưa thực hiện chương trình. Hay như tại Bình Thuận, ngành điện đã triển khai đề án “Hỗ trợ nông dân trồng Thanh long thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện, giai đoạn 2011-2016”. Chương trình đã thực hiện thay thế hơn 1,6 triệu/2 triệu bóng đèn góp phần giảm công suất đỉnh là 540MV và sản lượng điện tiết kiệm là 356.400.000 kWH tương đương số tiền là 541 tỷ đồng/năm. Đồng thời, với ngành điện đã góp phần giảm vốn đầu tư trạm biến áp 110 kV và lưới điện 22 kV khoảng 1.620 tỷ đồng, giảm phát thải 153.252 tấn CO2/năm ra môi trường.
Để nâng cao nhận thức của người sử dụng điện về ý nghĩa và hiệu quả của chương trình tiết kiệm điện trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Phước, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, EVN SPC sẽ thiết lập tiêu chí tiết kiệm điện vào chương trình thi đua tại ấp/khu phố văn hoá tại 21 tỉnh thành phố do EVN SPC quản lý. Bên cạnh đó, EVN SPC sẽ xây dựng được chương trình và bộ tài liệu tuyên truyền tiết kiệm điện học đường cho khối học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Đồng thời, EVN SPC tiếp tục duy trì công tác phối hợp với các địa phương để quảng bá, sử dụng thiết bị sử dụng điện tiết kiệm và đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống năng lượng mặt trời áp mái tại các văn phòng đơn vị và nhà dân để tạo thêm nguồn điện cho lưới điện cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
Minh Thi