EVN: Nhiều giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng điện 

(Chinhphu.vn) – Cùng với việc điều chỉnh huy động thủy điện linh hoạt theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí khu vực miền Nam và các nguồn điện chạy dầu để bảo đảm việc cung cấp điện trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng và cả năm 2019.

 

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), trong tháng 5 và tháng 6, phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao, khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, do ảnh hưởng của Elnino, dự báo nước về các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục ở mức thấp. Các tháng còn lại, lưu lượng nước về tần suất chỉ khoảng 70%; khả năng cung cấp than, khí không đảm bảo nhu cầu huy động.

EVN đã huy động tối đa các nguồn chạy dầu, tập trung giám sát chặt chẽ, liên tục đường dây truyền tải để tăng cường công suất từ Bắc vào Nam đồng thời điều chỉnh huy động thủy điện linh hoạt theo lưu lượng nước về và bổ sung bảo đảm nguồn than cho phát điện của các nhà máy nhiệt điện.

Thủy điện sẽ được huy động linh hoạt theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

 

Theo đó, tính đến ngày 17/5, tổng sản lượng nhiệt điện dầu huy động đã đạt 160 triệu kWh.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết; Trong năm 2019, EVN cần khoảng 55 triệu tấn than phục vụ phát điện, trong đó, nguồn than trong nước cung ứng khoảng 43 triệu tấn còn 12 triệu tấn phải nhập khẩu.

Trong khi đó nguồn khí sau nhiều năm khai thác liên tục cũng đã suy giảm. Cụ thể như khí Nam Côn Sơn, Cửu Long, khả năng cấp đạt 19 – 19,5 triệu m3 khí/ngày trong khi những năm trước đây khả năng cấp khí đạt từ 21,5 – 22,5 triệu m3 khí/ngày. Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã vận hành trở lại nhưng khả năng cấp khí cho điện cũng giảm 1 triệu m3/ngày. Khí PM3- CAA hiện cấp ở mức 4,1 – 4,3 triệu m3/ngày, giảm từ 0,4 -0,6 triệu m3/ngày so với năm 2017 – 2018.

Hiện EVN và các đơn vị trực thuộc đã chủ động làm việc cụ thể với Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Công ty Than Đông Bắc để tháo gỡ khó khăn nỗ lực bảo đảm cung ứng nguồn than nội địa theo kế hoạch phục vụ phát điện đồng thời tính toán đến việc nhập khẩu cả khí trong bối cảnh nguồn khí sau nhiều năm khai thác liên tục đã suy giảm.

Thời gian tới EVN sẽ đẩy nhanh đưa vào hoạt động các dự án điện mặt trời. Hiện, một dự án điện mặt trời để đưa vào hoạt động mất khoảng 1 – 1,5 năm, nhưng để kết nối vào lưới điện quốc gia mất khoảng 3-4 năm. Về vấn đề này, EVN đã chủ động tính toán hệ thống, đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch, để thực hiện giải tỏa nguồn cho các dự án điện mặt trời.

Cùng với đó, EVN cũng đã làm việc với 2.000/5.000 khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm, để khuyến khích các đơn vị tham gia chương trình quản lý nhu cầu phụ tải. Theo đó, các khách hàng doanh nghiệp sẽ chuyển dịch thời điểm sử dụng điện tránh rơi vào các giờ cao điểm để đảm bảo tất cả đều có đủ điện sử dụng, và công suất định của hệ thống không vượt lên quá cao, độ an toàn của hệ thống được đảm bảo, tin cậy.

Với những nỗ lực này, EVN khẳng định sẽ cung ứng đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng và thời gian còn lại của năm 2019.

                                                                                                                                        Toàn Thắng

253 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1265
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1265
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76681089