EVIPA: Cân bằng hơn giữa thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia 

(Chinhphu.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động đối với Việt Nam của hai Hiệp định EVFTA và IPA, theo đó, FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ EU và Việt Nam sẽ đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. - Ảnh: VGP

Kết quả đánh giá tác động cho thấy thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Thu ngân sách nhà nước có thể được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.

Bên cạnh tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, hai Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.

FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ EU

Riêng với IPA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững, trên cơ sở những điểm tiến bộ của IPA so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.

IPA cũng thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.

“Trong trung và dài hạn, dòng vốn FDI vào Việt Nam là nhân tố khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất, tiếp đến là tác động của việc cắt giảm thuế và giảm các hàng rào phi thuế quan, và sự cải thiện năng suất”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

IPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà  đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.

Tuy nhiên, việc chuẩn bị từ phía Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ... đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các cơ hội này.

IPA cũng giúp hỗ trợ sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước  thông qua tác động lan tỏa, do EU là khu vực có trình độ công nghệ phát triển cao, FDI gia tăng từ EU có thể đem theo thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và khả năng hấp thụ công nghệ của khu vực trong nước.

Dự kiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN khác mà còn từ các nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Tập trung thu hút các dự án chất lượng cao

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tiếp theo 21 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã được ký kết và thực hiện trong 30 năm qua, việc ký kết IPA với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, cùng với những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ... theo quy định của EVFTA, sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà  đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Đồng thời, doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận, tiêu dùng và hưởng lợi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu chuẩn Châu Âu với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ các nền kinh tế của Liên minh Châu Âu.

“Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tiềm năng của các nhà đầu tư EU về vốn, công nghệ, trình độ quản lý... Do vậy, Chính phủ Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết Hiệp định IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà  đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút FDI trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tận dụng các cơ hội do EVFTA/IPA mang lại, Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định; đẩy mạnh công tác thông tin dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước; tăng cường công tác xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi Hiệp định; tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định.

Trong lĩnh vực đầu tư, cần chú trọng chuyển trọng điểm chính sách thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Có thể chế chính sách ưu đãi vượt trội, quy định pháp lý, điều kiện kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam…

Đồng thời, Chính phủ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của Châu Âu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để gia nhập thị trường Châu Âu một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Hướng tới phát triển bền vững

Đặc biệt, Hiệp định IPA tiếp tục khẳng định các nguyên tắc về phát triển bền vững được quy định tại EVFTA, như thu hút thương mại đầu tư nhưng vẫn đảm bảo duy trì mức độ bảo vệ môi trường, cam kết chống biến đối khí hậu, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên rừng, nguồn tài nguyên sinh vật biển, khuyến khích thương mại và đầu tư hướng tới phát triển bền vững.

Hiệp định IPA có quy định riêng khẳng định quyền quản lý của các Bên nhằm đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, hoặc xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa.

Những quy định này được xây dựng nhằm mục đích đảm bảo rằng các quy định về đầu tư trong IPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, ngăn ngừa tranh chấp xảy ra, đảm bảo cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của cộng đồng, hỗ trợ phát triển bền vững.

Mặt khác, đa số doanh nghiệp Châu Âu luôn hướng tới phát triển bền vững, cam kết phát triển lâu dài đối với nước nhận đầu tư. Đầu tư từ EU tăng sẽ giúp tăng cường tính ổn định, phát triển bền vững của các dự án FDI tại Việt Nam. 

 

Thành Đạt

313 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 821
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 821
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88317861