Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam sang thị trường EU cũng đạt thặng dư lớn trong nhiều năm liên tục nhờ vào tính bổ sung cao của các mặt hàng nông sản xuất khẩu giữa Việt Nam và EU. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thủy sản, cà phê, hạt điều, rau củ nhiệt đới sang EU và nhập khẩu trứng, sữa, mật ong, thịt bò, gà, lợn và rau củ từ EU.

Sau 10 năm kể từ khi khởi động đàm phán, EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) đã chính thức được ký kết. Theo đó, thuế suất sẽ giảm mạnh với nhiều mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu. Nhờ sự nhanh nhạy, nắm bắt xu hướng thị trường và kỹ năng tốt trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam được nhận định sẽ tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vùng sản xuất rau an toàn ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Tuy nhiên, qua thực tiễn tiếp xúc và tìm hiểu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, trước những thách thức đặt ra của EVFTA, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vẫn còn không ít điểm yếu cần khắc phục và thay đổi nếu thực sự muốn tận dụng và nắm bắt cơ hội phát triển.

Theo phân tích của ông Tuấn, hiện nay, không có nhiều doanh nghiệp hiểu rõ về EVFTA và mức độ hiểu biết của doanh nghiệp dân doanh Việt Nam về một số Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên còn rất hạn chế. Ngoài ra, khả năng thay đổi để các doanh nghiệp thích ứng với EVFTA là khá khó khăn. Trong khi đó, dù có nhiều lợi thế như: giá bán nông sản của Việt Nam ở thị trường EU cạnh tranh hơn so với các đối thủ Ấn Độ, Thái Lan hay việc nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất từ EU dễ dàng và giá cả hợp lý hơn trước; các thủ tục về xuất xứ, hải quan, xử lý khiếu nại… cũng sẽ thuận lợi, nhanh hơn và minh bạch cũng như môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện thì những thách thức về hàng rào phi thuế quan từ những cam kết theo EVFTA là rất khó.

Ông Tuấn liệt kê, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế có thể không dễ đáp ứng, nhất là với các mặt hàng nông sản nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến; cam kết thương mại tự do (FTA) lại không liên quan tới giấy phép nhập khẩu cho từng loại hàng hóa; đồng thời, cam kết FTA không giúp gỡ bỏ hay giảm bớt các rào cản kỹ thuật cùng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trong khi đó, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở các khía cạnh phi cam kết như: chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp còn hạn chế, chi phí sản xuất tăng khi phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao của thị trường EU.

Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ tăng như: quy tắc về lao động, môi trường…. Song song với những thách thức bên ngoài thì ngay tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp nông sản Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ EU vào Việt Nam.

Ở góc độ nhà nước, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nhờ có EVFTA và các cam kết cắt giảm thuế quan, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ là lợi thế lớn của ngành nông nghiệp. Thêm vào đó là cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giúp cho các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước được tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, giúp hoàn thiện năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Trước những thách thức đặt ra với nông sản xuất khẩu sang thị trường EU và cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu từ EU vào thị trường Việt Nam, theo ông Toản, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh phát triển thị trường đối với các mặt hàng chế biến như: rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm về gỗ, tổ chức xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi phân phối ra nước ngoài và tăng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ sử dụng hóa chất trong sản xuất, quản lý chất lượng theo chuỗi, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, chứng chỉ bền vững…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành chức năng sẽ nghiên cứu xây dựng Chiến lược phòng vệ Thương mại cho Việt Nam để tạo điều kiện cho các ngành hàng có lợi thế yếu và vừa được chuyển đổi phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường phổ biến kiến thức cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để giúp cập nhật liên tục các thông tin yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các yêu cầu khác từ các nhà nhập khẩu. Song song đó, các đơn vị của Bộ nâng cao năng lực đàm phán trong mở cửa thị trường và thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc tư vấn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp…, ông Toản nhấn mạnh.

Đại diện tiếng nói từ nhiều doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn INTIMEX cho biết, vấn đề lo lắng nhất đối với các doanh nghiệp khi tham gia EVFTA là các hàng rào kỹ thuật khi đưa hàng hóa vào thị trường các nước EU, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp rất cần các cơ quan chuyên ngành hỗ trợ vấn đề này.

Theo ông Nam, cơ quan kiểm dịch thực vật cũng cần sớm đưa ra danh sách những hóa chất được sử dụng trong nông nghiệp; đồng thời, phải có biện pháp ngăn chặn việc nhập lậu các loại hóa chất không đảm bảo an toàn thực phẩm. Sắp tới châu Âu sẽ tiếp tục cấm một số hóa chất thì Việt Nam phải có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Để có thể tận dụng cơ hội từ EVFTA nhằm phát triển ngành nông nghiệp, theo ông Đậu Anh Tuấn, việc tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam thích ứng trong bối cảnh mới.

Cụ thể, ông Đậu Anh Tuần cho biết, các bộ, ngành cần cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh và mở rộng quyền tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp; cải cách và hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật theo luật quốc tế và liên quan tới EVFTA. Chính phủ nên bảo vệ quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp nông nghiệp và đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị và đối phó kịp thời với các tranh chấp thương mại.

Về phía các doanh nghiệp, ông Tuấn nhấn mạnh, bằng nhiều biện pháp, doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng, sản phẩm, tăng cường liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp và tích cực tham vấn những vướng mắc tới các cấp để tháo gỡ kịp thời, từ đó rộng đường xuất khẩu và bản thân doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ./.

 
TTXVN