|
Giày thể thao chiếm tới 2/3 tổng lượng giày của DN Việt Nam xuất khẩu vào EU. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh lợi thế cạnh tranh được duy trì tại thị trường Mỹ, giày dép Việt Nam khi xuất khẩu vào EU sẽ được giảm thuế suất về 0% sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Trong đó, mức thuế sản phẩm chủ lực giày thể thao (chiếm tới 2/3 tổng lượng giày xuất khẩu vào EU) sẽ giảm ngay chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như giày da.
So với các đối thủ cạnh tranh khác, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 - 4,2% khi xuất khẩu vào EU nên tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Quy tắc xuất xứ áp dụng như Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) cũng khá thuận lợi nên chắc chắn dòng đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam sẽ rất nhiều và vấn đề chỉ còn là DN trong nước sẽ đón nhận cơ hội từ Hiệp định này ra sao.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết thêm, nếu như dệt may gặp khó bởi quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, thì những yêu cầu của EU trong EVFTA lại giúp cho da giày “rộng cửa” hơn. EVFTA cho phép các DN da giày Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, chỉ yêu cầu từ khâu giặt, may, lắp ráp, đóng gói là phải thực hiện tại Việt Nam.
Mặt khác, khi EVFTA có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để hưởng ưu đãi theo xuất xứ. Nhờ đó, Việt Nam có thể cải thiện được nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Những vấn đề mà các DN da giày Việt Nam phải giải quyết trước hết là tỷ lệ sản xuất gia công chiếm tới 70%, nên lợi nhuận thấp và hạn chế sự năng động của DN. Mặt khác, các rào cản kỹ thuật áp đặt từ phía EU cùng với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và tuân thủ các thủ tục để được hưởng lợi thuế FTA cũng làm tăng chi phí cho DN.
Tiếp đến, dù da giày là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam, nhưng thị phần xuất khẩu lại hầu hết đang nằm trong tay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện khối DN FDI đóng góp tới trên 80% trong tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành.
Nguyên nhân xuất khẩu của khối DN FDI liên tục tăng cao là do các DN này mở rộng công suất và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội được giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do.
Trong khi đó, các DN da giày trong nước vẫn thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu năng lực quản trị và năng suất lao động thấp. Năng suất bình quân của lao động tại các nhà máy da giày Việt Nam hiện nay chỉ bằng 60 - 70% năng suất của các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Với mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ đạt 54 tỷ USD, ngành da giày Việt Nam được khuyến cáo là phải biết tận dụng tối đa mọi lợi thế của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là EVFTA.
Để làm được điều này, theo Lefaso, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm được sản xuất bởi các DN Việt Nam phải được nâng lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong các FTA; đồng thời, giúp giảm các chi phí về logistics và nâng cao sự chủ động của DN Việt.
Dây chuyền, máy móc cần được cải thiện để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Đồng thời, các DN chủ động được nguồn nguyên liệu, có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được các vấn đề về môi trường, lao động, nâng cao tự động hóa trong sản xuất và có những sản phẩm đặc trưng. Cùng với đó, để tránh bị động, sản xuất theo chỉ định của đối tác khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, DN Việt Nam cần chủ động trong chuỗi liên kết nội địa, phát triển thị trường trong nước.
Năm 2019 ngành da giày dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 10%, kim ngạch xuất khẩu đạt 21,5 tỷ USD, tăng thêm 2 tỷ USD so với thực hiện của 2018.
(Nguồn: TTXVN)