EVFTA, cuối cùng tự do vẫn thắng 

(Chinhphu.vn) - Trong khi đại dịch COVID-19 khiến tất cả các nền kinh tế trên thế giới khó khăn hơn, thì việc ký kết EVFTA như một dấu cộng đúng lúc, ít nhất cho những nhà xuất khẩu Việt Nam.

Trong các chữ viết tắt theo tiếng Anh này: Europe Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA), chúng tôi cho rằng chữ F: Free hay Tự do là nền tảng nhất. Có lẽ trong 8 năm đàm phán các đối tác không bàn đến chữ này nhiều vì thực ra, đó là một mặc định đương nhiên để các yếu tố kỹ thuật và các con số dưới đây trở nên sống động và đầy lý lẽ.

Tự do đẻ ra các con số

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.  

“Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng từ 30-40% so với trước khi có EVFTA”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh từng nói với báo chí trước thềm lễ ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho rằng nền kinh tế châu Âu hiện cần mọi cơ hội để khôi phục sức mạnh sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo bà Ursula von der Leyen, các hiệp định thương mại, như hiệp định vừa có hiệu lực với Việt Nam, tạo cơ hội cho các công ty châu Âu tiếp cận các thị trường mới nổi và tạo việc làm cho người dân châu Âu.

Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan bình luận Việt Nam hiện là một phần của "câu lạc bộ" gồm 77 quốc gia có giao thương với EU theo các điều kiện ưu đãi song phương. EVFTA giúp tăng cường liên kết kinh tế của EU với khu vực năng động ở Đông Nam Á và có tiềm năng kinh tế quan trọng trong việc góp phần cho sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Không những thế, hiệp định cũng cho thấy chính sách thương mại có thể có sức mạnh tốt như thế nào. Theo ông Phil Hogan, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện hồ sơ quyền lao động nhờ đàm phán thương mại giữa hai bên.

EVFTA là hiệp định thương mại toàn diện nhất mà EU đã ký kết với một quốc gia đang phát triển. Hiệp định cũng đã tính đến nhu cầu phát triển của Việt Nam thông qua một giai đoạn khoảng 10 năm để loại bỏ thuế đối với hàng nhập khẩu của EU.

Nhiều sản phẩm xuất khẩu quan trọng của EU vào Việt Nam, như dược phẩm, hóa chất hoặc máy móc sẽ được miễn thuế khi EVFTA có hiệu lực. Những sản phẩm thực phẩm nông nghiệp như thịt bò hoặc dầu ôliu sẽ không phải chịu thuế trong 3 năm, trong khi sữa, trái cây và rau quả tối đa là 5 năm.

EVFTA cũng có các quy định cụ thể để giải quyết các rào cản pháp lý đối với xuất khẩu xe hơi của EU và cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống truyền thống của châu Âu, như phô-mai, rượu vang…

Bên cạnh đó, EVFTA cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả hai bên đối với môi trường và các quyền xã hội, đặt ra những tiêu chuẩn cao về bảo hộ lao động, môi trường và người tiêu dùng.

Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu đạt trên 41,54 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,90 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, năm 2019, EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước.

Tiếp theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thứ 2 có hiệu lực đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, EVFTA được kỳ vọng trở thành động lực giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng dương, 3% và hơn nữa.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Hiệp định EVFTA sẽ giúp thêm 0,1 - 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương mức giảm 0,7% so với kịch bản không có EVFTA. Cùng với đó, khoảng cách tiền lương theo giới tính cũng được thu hẹp thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.

Khung cửa hẹp

EVFTA được đưa vào thực thi đồng nghĩa với việc cánh cổng bước vào thị trường 18.000 tỷ USD với 508 triệu dân đang mở rộng hơn bao giờ hết với hàng hóa của Việt Nam.

Nhưng châu Âu không bao giờ là “cánh cửa rộng” vì đó là thị trường khắt khe nhất thế giới, không những chỉ đối ngành nông thủy sản Việt Nam, mà còn cho tất cả hàng hóa, dịch vụ khác.

Đặc biệt khi căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa có hồi kết, thì EVTFA không chỉ có ý nghĩa đối với Viêt Nam và cộng đồng châu Âu, mà còn có ý nghĩa đối với những ai tin vào toàn cầu hóa và tự do thương mại toàn cầu.

Tất nhiên, EVFTA chỉ là bước đầu tiên. Những người thực dụng còn phải chờ đợi nhiều và có thể sẽ phải đón nhận không ít thất vọng. Nhưng đừng đánh giá thấp tư tưởng tự do làm nền tảng cho những điều khoản phức tạp và những con số lạnh lùng.

Theo khái niệm của Adam Smith, “bàn tay vô hình” thúc đẩy các nhà kinh doanh vừa làm lợi cho mình, vừa làm lợi cho xã hội, rộng ra là vừa làm lợi cho nước mình, vừa có lợi cho nước khác. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là win-win (hai bên cùng thắng). EVFTA chỉ thành công khi cả Việt Nam và các nước trong Liên minh châu Âu cùng thắng.

Mậu dịch tự do cho ai?

Mới đây, theo thăm dò của Viện Pew về thái độ đối với toàn cầu hóa và mậu dịch tự do, thì có 53% dân Mỹ cho rằng mậu dịch tự do tốt cho nước Mỹ so với 78% của 10 năm trước. Trong khi đó người Đức 87%, người Anh 77%, và người Pháp 82%. Thậm chí tỉ lệ ủng hộ mậu dịch tự do ở Ấn độ, Hàn quốc và Nigeria còn cao hơn ở Mỹ. Trong 24 quốc gia thăm dò, thì người Mỹ đứng sau tất cả trong việc ủng hộ mậu dịch tự do.

Cùng với câu khẩu hiệu: “Đả đảo COVID-19”, người Mỹ cũng hô: “Đả đảo Adam Smith”.

Thật là nghịch lý, khi mà châu Âu thường được xem là bảo thủ và già nua lại chiến đấu cho mậu dịch tự do, trong khi Mỹ nổi tiếng với lý tưởng thị trường tự do lại quay ra thiết lập những hàng rào mới. Dường như thế giới đang đổi chiều?

Nhưng cần gì cho “vĩ đại trở lại”?

Đó là công ăn việc làm nhiều hơn cho dân Mỹ. Nhưng ông không thể giết chết Adam Smith. Mà ông cũng không thể làm thế, vì châu Âu sẽ dựng Adam Smith, cha đẻ của lý thuyết tân tự do sống dậy, với đầy đủ tứ chi và đầu, chứ không què quặt  như ở Mỹ.

Ngoại thương bình quân chiếm đến 51% trong các nền kinh tế của cộng đồng châu Âu (E.U) trong khi con số đó ở Mỹ là 13%. Thế thì người Mỹ không cần phải lo lắng khi chào tạm biệt Adam Smith không một thoáng nuối tiếc.

Người lao động và các chính trị gia châu Âu sẽ lo lắng vì đời sống họ phụ thuộc ngoại thương, trong khi người lao động Mỹ cảm thấy quá ít hàng rào che chắn cho cuộc sống, công ăn việc làm của họ. Tất nhiên vì vậy họ cũng muốn Adam Smith chết đi.

Tuy vậy, trên cả hai châu lục, thái độ tích cực đối với thương mại tự do khó có thể tăng trong thời kỳ khó khăn về kinh tế, nhất là đại dịch Covid-19 cứ kéo dài.

Joe Guinan, một nhà kinh tế tại Quỹ Marshall của Đức, một thành viên mạnh của Cộng đồng Châu Âu, cho biết: “Điều cuối cùng mà người lao động và nhà sản xuất muốn là cạnh tranh khốc liệt hơn trên thế giới.

“Càng cạnh tranh, thì người tiêu dùng càng lợi”

Hầu hết các quốc gia ngày nay đặt ít hạn chế về thương mại hơn so với các điều khoản kỹ thuật được phép theo các thỏa thuận quốc tế

Ví dụ, mức thuế trung bình có thể tăng gấp ba lần trên toàn thế giới mà không có một sự vi phạm hiệp ước hay phản đối của các đối tác thương mại. Chỉ riêng điều đó - thậm chí không cần tới cuộc chiến thương mại kiểu thập niên 1930, như Obama cảnh báo - sẽ thu hẹp thương mại toàn cầu khoảng 1,8 nghìn tỷ đô la và cắt giảm GDP toàn cầu khoảng 448 tỷ đô la, hay 0,8 phần trăm, theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế.

Tại G20 Summit 2019 ở Osaka, Nhật Bản, các nhà lãnh đạo quốc gia đã từng làm nóng đề tài “chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân túy bên cạnh chủ đề thương chiến Mỹ - Trung”.

Nếu là nhà phản biện, Adam Smith sẽ là chỗ dựa học thuật đáng tin

Cho nên, dù đạt được EVFTA, một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với giá trị tự do kinh doanh, các nhà sản xuất và kinh doanh Việt Nam cũng phải nhìn lại mình tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm, dù bán ra nước ngoài hay bán trong nước. Hơn nữa, các công ty Việt Nam muốn làm ăn với châu Âu, phải nhớ rằng chúng ta đã ký 9 thỏa thuận về quyền của người lao động.

Khi  EVFTA đi vào thực thi, lợi ích kinh tế sẽ đi đôi với bảo đảm quyền lao động, bảo vệ môi trường và Thỏa thuận Paris về khí hậu, thông qua các điều khoản mạnh mẽ, ràng buộc về pháp lý và hướng tới phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp châu Âu đã quen làm ăn với thông lệ quốc tế, không phải e ngại. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, dù cho xuất khẩu là chính, vẫn cần đặc biệt quan tâm tới hai khía cạnh ràng buộc này: pháp lý và bền vững. Dù cho nền kinh tế Việt Nam chúng ta mở cửa hơn 30 năm, nhưng thói quen học tập luật và tuân thủ luật quốc tế, đặc biệt là luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, chưa phải là “bình thường mới” hiện nay với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam. Thói quen sản xuất nhỏ là một gen có thể đột biến bất cứ lúc nào trong cơ thể kinh tế chúng ta mà chúng ta cần giải mã thường xuyên. Gen đó chính là “không coi trọng người lao động”. EVFTA buộc tất cả doanh nghiệp hai bên tham gia cuộc chơi phải lấy người lao động và quyền tự do của họ làm trung tâm.

Tự do sẽ chẳng có nghĩa nếu không có thịnh vượng và hạnh phúc cho từng người dân ở bất cứ quốc gia nào, cho dù quốc gia đó đã phát triển như Mỹ, các nước ở châu Âu hay đang phát triển như Việt Nam.

Trần Ngọc Châu
369 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 600
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 600
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87232496