Ngày 25/6 vừa qua, Hội đồng bộ trưởng EU đã phê chuẩn thỏa thuận EVFTA, mở đường cho việc ký kết chính thức vào ngày 30/6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc hội kiến Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani nhằm thúc đẩy EVFTA nhân chuyến thăm châu Âu tháng 10/2018. Ảnh: VGP.
Từ cơ hội lớn…
Cho đến nay, trong 12 FTA mà Việt Nam ký kết, thì EVFTA có sự khác biệt rất quan trọng, khiến Việt Nam có thể cạnh tranh được ở thị trường phát triển ở châu Âu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ đến vốn và công nghệ đều đáp ứng mục tiêu chiến lược của cả hai bên.
EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các định chế của WTO, có tính đến độ chênh của trình độ phát triển giữa hai bên. Với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế sau một lộ trình ngắn, đây là mức cam kết cao nhất mà đối tác EU dành cho Việt Nam.
EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023; 4,57-5,30% giai đoạn 2024-2028 và 7,07-7,72% giai đoạn 2029-2033.
Với EVFTA Việt Nam còn có cơ hội nhiều hơn khi tiếp cận công nghệ cao, bởi Đức và một số nước khác là những ứng cử viên đầu tàu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (FIR). EU hiện có gần 500 triệu dân, chiếm 7,3% toàn thế giới, GDP 17,57 nghìn tỷ USD, GDP đầu người/năm là 32.900 USD...
Ngành mũi nhọn của Việt Nam như: gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản... đều hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Tiếp đó là ngành dệt may, giày da, đồ gỗ, tin học, ô tô, hóa dầu… đều được hưởng nhiều ưu đãi theo lộ trình.
Đến thách thức không nhỏ…
Theo giới chuyên gia, sự cạnh tranh khi mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ các nước thuộc EU, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa. Phương thức tổ chức, vận dụng để vượt qua khó khăn cần có thời gian và chương trình hành động cụ thể.
Sự tương thích về luật pháp, nhất là cơ chế giải quyết tranh chấp, bảo hộ… của Việt Nam với luật pháp châu Âu và quốc tế, trong đó có tình huống các bên ra đòn phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của mình.
Cho đến nay, kim ngạch thương mại của EU với Việt Nam mới chỉ là 42 tỉ USD, với mức độ tăng trưởng 17% năm 2018, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công của EU vẫn chưa có hồi kết, nguy cơ bất ổn của Liên minh này vẫn tiềm ẩn.
Và những vấn đề cần quan tâm
(1) Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm đáp ứng những cam kết và thể hiện quyết tâm của nước ta khi chấp nhận các “luật chơi” quốc tế, nhất là thị trường các nước phát triển như EU.
(2) Để đón nhận thời cơ, vượt qua thách thức đối với nền kinh tế, từ cơ quan hoạch định chiến lược, chính sách của Chính phủ đến các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân cần sớm tìm ra và khắc phục kịp thời các yếu kém, bất cập để thực hiện cam kết của mình trong các FTA với các đối tác khác nhau theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Theo đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ.
(3) Nhà nước cần xác định các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam cần phải tập trung phát triển các ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ mũi nhọn mà mình có khả năng như: sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, thủy hải sản; dệt may, giày dép và lắp ráp...
(4) Nhà nước cần có chiến lược để chủ động tiếp cận, nắm bắt kịp thời xu thế phát triển FIR. Đặc biệt nắm bắt các loại sản phẩm đặc trưng như: AI, robot thông minh, IOT, công nghệ 5G…. Trong số đó có ngành may mặc – thế mạnh của Việt Nam, buộc phải đối mặt với nhu cầu cá biệt hóa sản phẩm và nguy cơ bị robot thông minh thay thế. Theo đó, cần xây dựng những giải pháp tổng thể nhằm phát triển nguồn nhân lực quốc gia sớm tiếp cận thị trường EVFTA với độ sâu hơn ngay khi hiệp định có hiệu lực.
(5) Với các cộng đồng doanh nghiệp, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với chuỗi giá trị châu Âu và toàn cầu, đòi hỏi phải chủ động trong việc tận dụng tác động lan tỏa của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong bối cảnh các Hiệp định khác như: CPTPP đã vận hành, RCEP đang đàm phán gấp rút, APEC vị thế đang nâng cao… tạo cơ hội để Việt Nam bắt kịp với xu thế hội nhập và phát triển.
Như vậy, từ chủ trương hội nhập quốc tế, “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Thành tựu đáng ghi nhận nhất là đã đàm phán và ký kết với nhiều đối tác cả đa phương và song phương, nhất là các “FTA thế hệ mới” như EVFTA hàm chứa nhiều yếu tố “chất lượng cao”, quan hệ bình đẳng và cơ hội tiếp cận FIR, đáp ứng nhu cầu cấp bách của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Nguyễn Nhâm