Theo đó, thỏa thuận Brexit mà hai bên đạt được vào ngày 24/12 vừa qua sẽ bảo toàn quyền tiếp cận mức thuế và hạn ngạch bằng 0 khi hàng hóa của Anh được nhập khẩu vào thị trường chung châu Âu với 450 triệu người tiêu dùng.
Trên vai trò là nước giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU 6 tháng cuối năm 2020, trên trang cá nhân Twtter, ông Maas viết: "Tôi vui mừng khi tất cả 27 nước EU đều đã thông qua thỏa thuận. Với việc cùng hợp lực, chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn một sự hỗn loạn trong thời điểm chuyển giao năm mới".
Việc 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn Hiệp định hậu Brexit giữa Anh và EU chỉ là một thủ tục nhằm hợp thức hóa thỏa thuận sau khi London và Brussels ký kết hồi tuần trước. Đây là bước cần thiết nhằm khởi động thỏa thuận sơ bộ từ ngày 1/1/2021 tới đây. Theo kế hoạch, Nghị viện EU sẽ phê chuẩn Hiệp định này vào cuối tháng 2/2021.
Cũng trong ngày 29/12, một phát ngôn viên của EU cho biết, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào lúc 8h30' ngày 30/12 (giờ địa phương). Sau khi được các nhà lãnh đạo EU ký, Hiệp định thương mại giữa Anh - EU dự kiến được chuyển tới London để Thủ tướng Anh Boris Johnson ký.
Anh - EU đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán cho giai đoạn hậu Brexit từ tháng 3/2020 kể từ khi Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1/2020 sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử vào năm 2016, đánh dấu chấm hết cho gần 50 năm hội nhập EU của quốc gia này. Tuy nhiên, Anh vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của khối cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào lúc 23h00 ngày 31/12 tới đây.
Thỏa thuận giữa Anh và EU sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan. Tuy nhiên, dù có được ưu đãi, Anh sẽ không được hưởng các quyền như khi là thành viên của thị trường chung EU.
Theo thỏa thuận hậu Brexit, phía châu Âu đã buộc được phía Anh phải lùi bước trong các vấn đề về ngư nghiệp. Trong hơn 5 năm, ngư dân các nước châu Âu tiếp tục được vào vùng biển nước Anh đánh bắt cá, thế nhưng phải giao nộp 1/4 sản lượng cho phía Anh. Phía châu Âu cũng ép được nước Anh phải tôn trọng quy chuẩn hàng hóa và dịch vụ của thị trường chung châu Âu, tôn trọng quy tắc cạnh tranh bình đẳng mà châu Âu vẫn áp dụng lâu nay.
Phía Anh cũng thỏa mãn với kết quả đàm phán. Hai bên tiếp tục mở cửa thị trường cho nhau, không đánh thuế, cũng không hạn ngạch. Trung tâm tài chính City London được tiếp tục kinh doanh bằng đồng Euro, cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp của 27 nước châu Âu. Nước Anh giành được quyền tự quyết, vẫn được hưởng lợi thế từ thị trường chung châu Âu, nhưng không phải đóng góp gì cho ngân sách châu Âu nữa.
Trước đó, ngày 24/12, Vương quốc Anh và EU đã chính thức đạt được thỏa thuận thương mại Brexit, khép lại giai đoạn sau gần 9 tháng đàm phán căng thẳng. Trước thông tin Anh và EU đạt được thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đánh giá cao thỏa thuận này, coi đây là văn kiện mang ý nghĩa lịch sử và cam kết sẽ nỗ lực để thỏa thuận có hiệu lực ngay từ đầu năm tới. Phát biểu ở thủ đô Berlin, bà Merkel nhấn mạnh: "Với thỏa thuận đạt được, chúng ta đã tạo được nền tảng cho chương mới của quan hệ song phương”./.