Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, biểu tượng sinh động, sáng ngời của tình đoàn kết Việt Nam - Lào những năm 1959 -1975 

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh con đường đi vào lịch sử không chỉ như một huyền thoại về ý chí, trí tuệ, lòng anh dũng, quả cảm của con người trước những thách thức nghiệt ngã của cuộc chiến tranh mà còn là một biểu hiện sinh động của tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược 1959-1975.

1. Đường Trường Sơn - thành quả của việc chung sức, chung lòng vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Vào những năm 1959-1960, trong khi đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng ra sức đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam, thì tại Lào, chính phủ phản động Phủi Xananicon do Mỹ tạo ra công khai đàn áp và quyết “thanh toán dứt điểm Neo Lào Hắcxạt bằng bạo lực”. Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhằm chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, phối hợp chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.

Ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 ra đời, với nhiệm vụ mở đường, đưa đón cán bộ, bộ đội, vũ khí, đạn được, lương thực… từ miền Bắc vào miền Nam và vận chuyển vật chất giúp nước bạn Lào. Được khai sinh vào ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), đường mang tên "Đường Hồ Chí Minh". Nhận rõ tầm quan trọng của tuyến vận tải chiến lược này, đế quốc Mỹ tìm mọi cách ngăn chặn và cắt đứt con đường vận tải này. Để khắc phục khó khăn và để đảm bảo cho tuyến vận tải chiến lược luôn được thông suốt, cuối năm 1960, đại diện Trung ương Đảng ta và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã gặp nhau bàn bạc, nhất trí mở đường Trường Sơn sang phía Tây. Trung ương Đảng cách nhân dân Lào đã họp và đề ra chủ trương: tìm mọi cách giúp bộ đội Trường Sơn mở đường.

Theo đó, Nhân dân  17 tỉnh của Lào trên mảnh đất Tây Trường Sơn đã tự động dời nhà, bỏ nương rẫy đã từng nuôi sống gia đình họ bao đời để tuyến đường mới bảo đảm được yêu cầu “gần nhất và dễ đi nhất”. Không những thế, những đơn vị bộ đội, dân công Việt Nam làm việc, chiến đấu trên tuyến đường đều được chính quyền, Nhân dân và bộ đội nước bạn giúp đỡ như anh em ruột thịt. Lực lượng cách mạng Lào đã mở nhiều hoạt động quân sự, vùng giải phóng ở Trung, Hạ Lào được mở rộng, tạo ra thế liên hoàn chấm dứt tình trạng độc tuyến của tuyến đường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của của kháng chiến.

Nhờ sự giúp đỡ tích cực và hy sinh của nhân dân các bộ tộc Lào, đến cuối tháng 6/1961 đường mới  mở nối liền đường số 12 và đường số 9 mang tên đường 129. Đây là bước phát triển mới của tuyến đường chiến lược Trường Sơn, từ thế độc tuyến Đông Trường Sơn, Đường 559 được mở thêm dọc biên giới Việt - Lào và đặc biệt quan trọng là đường Tây Trường Sơn, từ đơn thuần là đường gùi thồ nội địa dọc theo biên giới đã được mở thêm 200km đường cho xe cơ giới phía Tây Trường Sơn. Nói về nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống ngoại xâm, đồng chí Lê Duẩn khẳng đinh: “...Nhờ chúng ta liên minh với nhau, mới có điều kiện cần và đủ để đánh thắng”.

Để có được tuyến đường Trường Sơn - một kỳ tích trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, các thế hệ người dân Việt Nam mãi mãi khắc ghi và tri ân đối với sự hy sinh to lớn của hai dân tộc Việt Nam - Lào, nhất là Nhân dân các bộ tộc Lào trên dải đất huyền thoại ấy. Từ năm 1965 đến 1966, riêng số lượng bom Mỹ ném xuống đường Trường Sơn là khoảng 136.000 quả bom; năm 1967 -1968 tăng gấp 5 lần; năm 1968-1969 tăng gấp 14 lần. Hàng triệu ha rừng của Lào với hàng triệu mét khối gỗ bị bom đạn, chất độc hóa học của đế quốc Mỹ phá huỷ. Chỉ tính riêng trong năm 1969, máy bay của đế quốc Mỹ đã đánh phá hàng nghìn trận vào 180 bản làng, thiêu huỷ 845 nóc nhà, giết hại 482 người, làm bị thương 344 người... Hậu quả của chất độc hóa học mà đế quốc Mỹ rải xuống tuyến đường Trường Sơn đến nay vẫn để lại nặng nề cho Nhân dân hai nước Lào - Việt.

Thành quả của sự đóng góp, hy sinh đầy tình đồng chí của quân và dân các bộ tộc Lào, nhất là việc đồng thuận cho Việt Nam “lật cánh” đường Trường Sơn sang phía Tây để tiếp nối huyết mạch cho chiến trường miền Nam, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu chi viện cho chiến trường Lào và Campuchia đã làm thất bại mọi âm mưu của thế lực thù địch muốn chống phá sự nghiệp cách mạng của ba nước Đông Dương. Phát biểu trong bài diễn văn khi dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Lào sang thăm Việt Nam, ngày 7-2-1976, tại Hà Nội, đồng chí Cayxỏn Phômvihẳn đã nhấn mạnh trong: "Chúng tôi vui mừng và rất tự hào là trên vùng phía Đông của đất nước chúng tôi có con đường quan trọng được mang tên "Hồ Chí Minh" đã góp phần tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng miền Nam Việt Nam.

2.Đường Trường Sơn - biểu tượng của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia  trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược 1959-1975

Qua tuyến huyết mạch cả Đông và Tây Trường Sơn, quân và dân ta đã chuyển được trên một triệu tấn vật chất và vũ khí ra chiến trường, đảm bảo chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt người di chuyển vào chiến trường hoặc trở ra miền Bắc. Đã có 10 lượt sư đoàn cơ động, 3 quân đoàn, 90 đoàn binh khí kỹ thuật cùng 1.349.000 tấn hàng hoá, vũ khí, trong đó giao cho các chiến trường và cách mạng Lào, Campuchia hơn 583.000 tấn, 515 triệu mét khối xăng dầu... được vận chuyển qua tuyến đường này để tham gia các chiến dịch, góp sức cho nhân dân miền Nam, nhân dân Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia từng bước giành thắng lợi trên chiến trường, tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975. Riêng 4 tháng trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tuyến vận tải qua đường Hồ Chí Minh đã chuyển vào miền Nam Việt Nam hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 230.000 tấn vật chất các loại, đưa sang Lào (1973-1975) được trên 108.000 tấn hàng các loại (4), cổ vũ mạnh mẽ và tạo điều kiện cho quân và dân Lào liên tiếp nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước và thành lập nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào ngày 2-12-1975.

Để phá hủy và ngăn chặn con đường đặc biệt quan trọng này, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã mở nhiều cuộc càn quét, đẩy mạnh hoạt động biệt kích, thám báo thâm độc, nham hiểm trong những vùng giải phóng của Lào, nhằm ngăn chặn và phá hoại những hoạt động chi viện của Đoàn 559 trên tuyến hành lang ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Trong những năm tháng gian khổ đó, quân và dân hai nước Việt - Lào đã phải đương đầu với “chiến trường điện tử”, “chiến trường tự động hóa”, “chiến tranh hủy diệt”, “chiến tranh ngăn chặn” cùng những âm mưu thâm độc, tàn bạo để hủy diệt "huyết mạch" quan trọng này.

Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá, nhân dân 17 mường (huyện) thuộc các tỉnh Nam Lào nằm trên tuyến đường Tây Trường Sơn đã tự nguyện rời bỏ bản làng, nương rẫy của mình để sơ tán vào rừng sâu. Trên tinh thần: “Vận mệnh hai nước chúng ta đã gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em”, bao bà mẹ, gia đình Lào dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng đã mang "bát cơm sẻ nửa" để nuôi dưỡng thương binh; đã vượt qua bom đạn của kẻ thù, tiếp tế rau, gạo, thuốc men… đến các binh trạm trên các tuyến đường để trao tận tay các chiến sĩ Việt Nam. Ngoài ra, nhân dân các bộ tộc Lào còn góp hàng triệu ngày công cùng bộ đội và thanh niên xung phong Việt Nam làm mới, sửa chữa đường, vận chuyển hàng hóa và thương bệnh binh, góp phần giữ thông suốt "con đường ra tiền tuyến" này.

Trong 16 năm (1959-1975), đế quốc Mỹ đã rải xuống các cánh rừng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh hàng triệu tấn bom các loại, hàng nghìn tấn chất độc hoá học và nhiều thiết bị điện tử… nhằm phát hiện, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc. Cũng trong 16 năm ấy, vượt qua mọi gian truân và thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào đã hết lòng giúp đỡ bộ đội Việt Nam mở đường, bảo vệ tuyến đường, đảm bảo vận chuyển nhân lực, hàng hoá phục vụ chiến trường. Bộ đội, du kích và nhân dân các bộ tộc Lào đã thực sự chia lửa, cùng gánh chịu tổn thất với Việt Nam, phối hợp cùng bộ đội Việt Nam đánh trả máy bay địch, ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm và tập kích của địch.

Để xây dựng và bảo vệ tuyến hành lang vận tải chiến lược cùng các căn cứ chiến lược của nhân dân Việt Nam và Lào, quân dân hai nước không chỉ vừa chiến đấu, đoàn kết tổ chức đánh địch tại chỗ, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện để tuyến đường chiến lược được mở rộng và phát triển, mà còn vừa sản xuất để tự cung, tự cấp một phần lương thực, thực phẩm.

3. Quân và dân Việt Nam - Lào với quyết tâm hợp đồng chiến đấu bảo vệ tuyến đường huyết mạch cho cách mạng hai nước

Ngoài chức năng vận chuyển nhân lực, vật lực chi chiến trường miền Nam và Lào, đường Trường Sơn đã tạo điều kiện cho cách mạng Lào xây dựng căn cứ cách mạng, hậu phương kháng chiến trên các địa phương mà tuyến đường đi qua. Mối quan hệ đó thể hiện rõ nét ở sự phối hợp của các lực lượng vũ trang của Việt Nam và Lào chiến đấu đánh bại các cuộc hành quân của địch giải phóng dân và đất đai .

Xuân - Hè năm 1960, xuất hiện cục diện mới trên chiến trường Đông Dương. Cách mạng Đông Dương chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công và trong xu thế đó, trên chiến trường Lào, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng Pa-thét Lào đã mở chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1961), Nậm Thà (1962), Đường số 8, Đường 12 (1963), Nậm Bạc (1968), Cánh Đồng Chum (1964, 1969), v.v. Bộ đội tình nguyện Việt Nam chủ động phối hợp với LLVT yêu nước Lào đẩy mạnh tác chiến ở khu vực hành lang phía Tây Trường Sơn, xây dựng, củng cố và không ngừng mở rộng tuyến đường Trường Sơn, bất chấp sự đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của đối phương. Để bảo vệ và mở rộng tuyến đường, Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng Pa-thét Lào đã tổ chức nhiều đợt chiến đấu giải phóng Mường Phìn, Bản Đông (1960 - 1961), Đường 12, từ Mụ Dạ đến Đường 9 (1962 - 1963), Pha Lam - Đồng Hến (1964 - 1965), v.v.

Năm 1968, Mỹ, ngụy dồn sức đánh phá hòng quyết cắt đứt tuyến vận tải Trường Sơn của ta. Từ ngày 19-4-1968, chúng cho máy bay trực thăng đổ quân xuống thung lũng A Sầu (địa bàn thuộc Binh trạm 42, căn cứ Hậu cần của Đoàn 559), Đờ-ru Đốc (địa bàn Binh trạm 44) đánh chiếm các vị trí này. Chúng đã bị các đơn vị bộ đội chủ lực của Quân khu Trị - Thiên, Đoàn 559 phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào đánh cho thiệt hại nặng nề, buộc phải rút khỏi địa bàn. Tuyến vận tải Trường Sơn và các binh trạm của Đoàn 559 được bảo vệ an toàn.

Năm 1969, không quân Mỹ đã oanh kích hàng nghìn trận vào 180 mường của đồng bào các dân tộc Lào, dọc theo tuyến đường, thiêu hủy 845 nóc nhà, giết hại 482 người, làm bị thương 344 người...Không chịu khuất phục trước mưa bom, bão đạn của quân thù, nhân dân các dân tộc Lào ở 17 mường, huyện nằm dọc tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn vẫn kiên cường bám trụ, cùng lực lượng vũ trang yêu nước Lào và bộ đội Việt Nam chiến đấu, đánh trả máy bay, ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm, phá hoại của địch, bảo vệ tuyến đường. Tất cả các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của Việt Nam hành quân qua lại hoặc trực tiếp tham gia mở đường, chiến đấu trên tuyến tây Trường Sơn đều nhận được sự cưu mang, giúp đỡ tận tình của nhân dân nước bạn như anh em một nhà: giúp bộ đội trinh sát thực địa, tham gia mở đường, vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa khi có yêu cầu...

Đến năm 1971, Mỹ, ngụy mở cuộc hành binh “Lam Sơn 719” với ý đồ tiến công tiêu diệt lực lượng của ta từ Đông Hà lên Khe Sanh qua Xê Pôn, cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, quân và dân Quảng Trị kiên cường bám trụ, phối hợp với bộ đội chủ lực, quân và dân Sa-va-na-khét, Sa-la-van liên tục tiến công đánh bại cuộc hành binh đầy tham vọng của địch. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là biểu hiện rực rỡ của Liên minh chiến đấu giữa quân, dân Quảng Trị và quân, dân Sa-va-na-khét, Sa-la-van. Ngày 01-4-1972, căn cứ Dốc Miếu - “con mắt thần” “bất khả xâm phạm” của địch đã bị phá nát, kết thúc 5 năm tồn tại của hệ thống phòng thủ được coi là mạnh nhất của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Chiến lược chia cắt “Đường Hồ Chí Minh”, ngăn chặn sự tiếp tế của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam và chiến trường Lào của địch đã bị phá sản hoàn toàn. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vẫn kiên cường, đứng vững để vận chuyển những chuyến hàng “nặng trĩu” nghĩa tình từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam.

Để bảo vệ an toàn tuyến vận tải Trường Sơn, quân và dân Quảng Trị, Sa-va-na-khét, Sa-la-van đã không quản gian lao thử thách, với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Tất cả để giải phóng quê hương Việt – Lào”, đã kề vai, sát cánh bên nhau, đượm tình đồng chí anh em, chiến đấu và giành chiến thắng. Trong cuộc chiến đấu này đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, nhân dân của quê hương Quảng Trị, Sa-va-na-khét, Sa-la-van anh dũng hy sinh cho tuyến đường Trường Sơn thông suốt, vì nền độc lập dân tộc của hai nước Việt - Lào. Quân, dân Quảng Trị, Sa-va-na-khét, Sa-la-van có quyền tự hào đã đóng góp xứng đáng công sức và trí tuệ của mình bảo vệ tuyến vận tải chiến lược: Đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh – con đường huyền thoại./.

Ra đời từ yêu cầu khách quan của lịch sử, đáp ứng đòi hỏi bức thiết, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, đường Hồ Chí Minh bao gồm cả Đông và Tây Trường Sơn phản ánh mối liên minh, đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là mối quan hệ “môi hở, răng lạnh” giữa Việt Nam và Lào. Đường Đông và Tây Trường Sơn trở thành một huyền thoại, một biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, trong sáng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, thực sự tin cậy, gắn bó với nhau, chân thành hợp tác, giúp đỡ nhau vì lợi ích chung của mỗi nước. Châu Minh

 

1461 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 693
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 693
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76766882