Đường sắt Việt Nam giữ sức tăng trưởng nhưng chưa đạt kế hoạch 

(ĐCSVN) - Năm 2019, lĩnh vực Đường sắt trải qua một trong 3 giai đoạn khó khăn nhất lịch sử. Dù vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn giữ được sức tăng trưởng, nhưng chưa đạt kế hoạch năm.

 

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) được tổ chức vào sáng ngày 4/1.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sản lượng toàn Tổng công ty đạt trên 8,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 100,5% so với cùng kỳ, bằng 98,1% so với kế hoạch. Doanh thu đạt gần 8,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 100% so với cùng kỳ, bằng 97,2% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động đạt 9,12 triệu đồng/người/tháng.

Công ty Mẹ, doanh thu đạt 2.388 tỷ đồng, tương đương 93,1% so với cùng kỳ, bằng 97,3% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 13,9 tỷ đồng. Khối vận tải, doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 4.273,3 tỷ đồng, bằng 98,7% cùng kỳ và 92,5% kế hoạch do các công ty vận tải xây dựng. Khối bảo trì KCHT đường sắt tuy sản lượng, doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ, đạt doanh thu 107,8% cùng kỳ nhưng không đạt kế hoạch về sản phẩm ngoài công ích.

Cùng với đó, Khối Công nghiệp đạt được đà tăng trưởng (sản lượng đạt 123,9% kế hoạch). Đã triển khai đúng tiến độ kế hoạch đóng mới toa xe khách thế hệ mới, đảm bảo chất lượng. Chất lượng KCHT đường sắt có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ, cụ thể là số điểm xóc lấc được cải thiện qua từng tháng, từng quý.

 Bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp trao Cờ thi đua cho 6 đơn vị thuộc Tổng công ty.

 

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đánh giá, những nỗ lực của Tổng công ty trong thời gian qua rất đáng được ghi nhận khi giữ được sức tăng trưởng.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành Đường sắt nói chung và Tổng công ty ĐSVN nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là ngành đường sắt hiện nay chưa có các nguồn lực từ bên ngoài, mà chỉ phụ thuộc vào nguồn thu từ vé cước.

Đặc biệt, ngành đường sắt đang phải tham gia cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các phương thức vận tải khác. Trong đó, đường bộ, hàng không, đường thủy, hàng hải đang trên đà phát triển phát triển mạnh mẽ.

Theo ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN, trong năm 2019, Tổng công ty chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thậm chí, năm 2019 còn là một trong ba giai đoạn khó khăn nhất của ngành đường sắt, gồm năm 1979, 1984 và 2019.

Trong những khó khăn, vướng mắc của ngành Đường sắt, ông Vũ Anh Minh cho biết, cơ chế đầu tư hiện nay được xem là vướng mắc lớn nhất kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực. Đặc biệt là áp lực cạnh tranh ngày càng quyết liệt của hàng không giá rẻ và đường bộ cao tốc về vận tải hành khách, với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa.

“Lĩnh vực đường sắt đã được khẳng định là phương thức vận tải chủ đạo. Trong khi đó, vốn đầu tư cho hạ tầng Đường sắt còn hạn hẹp nên chưa có sự đột phá về chất lượng, năng lực kết cấu hạ tầng Đường sắt,…”, ông Vũ Anh Minh bày tỏ.

Theo ông Vũ Anh Minh, trong thời gian tới, điều cấp thiết là những thay đổi cơ bản về mặt hạ tầng, tạo đà cho những chiến lược phát triển trong tương lai. Khó khăn được nhận diện, được dự báo trước nghĩa là chúng ta đã nhìn nhận với một tâm thế chủ động và tích cực để có những giải pháp phù hợp.

Nhìn lại năm 2019, ngành đường sắt tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cụ thể là những “nút thắt” về kết cấu hạ tầng đường sắt đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư cho giai đoạn 2016 – 2020 và tiếp tục được chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2021 – 2025; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao đã được trình Chính phủ và nhận được sự quan tâm từ dư luận xã hội.

Cùng với đó, ATGT đường sắt có những kết quả tích cực thông qua các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong đó đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp 270 đường ngang biển báo thành đường ngang có gác hoặc lắp cần chắn tự động. Tình hình TTATGT Đường sắt được kiểm soát. Tính chung cả năm cải thiện tốt hơn so với năm 2018, giảm được cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương; kiểm soát được tai nạn do chủ quan, giảm tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, số vụ sự cố chạy tàu do lỗi chủ quan giảm mạnh gần 17%.

Trong năm xảy ra 257 vụ TNGT đường sắt, giảm 3 vụ (-1,15%). Trong đó, 10 vụ do nguyên nhân chủ quan, không tăng không giảm; 247 vụ do nguyên nhân khách quan, giảm 3 vụ (-1,2%). Số người chết là 110 người, giảm 12 người (-9,84%); số người bị thương là 180 người, giảm 3 người (-1,64%). Sự cố chạy tàu xảy ra 1.021 vụ, giảm 284 vụ (-21,76%), trong đó có 458 vụ do nguyên nhân khách quan, giảm 170 vụ (-27%); 563 vụ do nguyên nhân chủ quan, giảm 114 vụ (-16,84%).

Mặt khác, nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, môi trường đầu tư được cải thiện làm tăng nhu cầu vận chuyển nên nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến lĩnh vực hạ tầng đường sắt và sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt; hoạt động hợp tác, đầu tư của Tổng công ty ĐSVN với các đối tác bên ngoài có nhiều cải thiện. Tổng công ty cũng có thêm nhiều sản phẩm mới, bước đầu được thị trường ủng hộ.

 
Tin, ảnh: Kim Cương
257 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1004
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1004
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87089739