Đường sắt đã trở thành “thân thể già nua”? 

(ĐCSVN) - Khó khăn của ngành đường sắt do suất đầu tư thấp, kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng 30-40%; như vậy cứ trình lên 1.000 hạng mục thì bỏ lại 600 hạng mục. Mỗi năm tích tụ lại như vậy, đến nay đường sắt trở thành “thân thể già nua”.

 


Các khách mời tham gia Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Duy Thông

Đây là chia sẻ của ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại tọa đàm trực tuyến "Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển: Nút thắt và giải pháp" do Báo điện tử Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 25/9.

Trao đổi về thực trạng hệ thống hạ tầng đường sắt Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hệ thống đường sắt hình thành từ thế kỷ trước nhưng mạng lưới bao nhiêu năm qua vẫn như cũ, không xây dựng thêm được những tuyến mới để kết nối các vùng miền khác, vẫn tập trung ở trục Bắc - Nam. Thậm chí, theo ông, "chúng ta dỡ bỏ một số tuyến nhưng làm mới lại rất ít, chỉ vài chục cây số ở phía Bắc".

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, việc đầu tư và quan tâm đến việc tổ chức khai thác, phát triển để duy trì còn ở mức độ hạn chế. Do đó, việc xuống cấp của cầu đường đang rất hiện hữu, không có điểm kết nối với các trung tâm các luồng hàng, tác động đến thị trường vận tải kém.

Bên cạnh đó, mô hình quản lý của lĩnh vực đường sắt thay đổi rất nhiều, các doanh nghiệp cũng có sự xáo trộn, ảnh hưởng và tác động nhất định trong việc sáp nhập và tách.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhận định, đường sắt của Việt Nam ra đời sớm nhất Đông Nam Á, nhưng “chậm lớn” so với khu vực và thế giới. Không chỉ chậm lớn mà còn dừng lại có nghĩa là đã tụt hậu nhiều. Bởi lẽ, trong một thời gian dài không quan tâm đến chiến lược phát triển đường sắt và loại hình vận tải đường sắt, không quan tâm thì không có đầu tư, không có đầu tư thì không thay đổi được công nghệ. Ông cho rằng, đó là nguyên nhân lý giải vì sao ngành đường sắt gồm sản xuất, chế tạo đầu máy toa xe, sản xuất các nguyên vật liệu để làm hạ tầng, thậm chí công tác tổ chức nhân sự cũng không chú trọng đào tạo để thúc đẩy quá trình cải tổ hệ thống đường sắt...

Bàn về những khó khăn ngành đường sắt phải đối mặt trong thời gian tới, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam chia sẻ, khó khăn của ngành đường sắt do suất đầu tư thấp, kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng 30-40%. “Như vậy cứ trình lên 1.000 hạng mục thì bỏ lại 600 hạng mục, mỗi năm tích tụ lại như vậy, đến nay đường sắt trở thành “thân thể già nua”. Kể cả về khoa học kỹ thuật lạc hậu, lẫn tài sản hữu hình hiện hữu” – ông Minh nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Minh, ngoài nguồn lực ra còn có cơ chế ,chính sách. Đối với phương thức vận tải khác, ví dụ như hàng không đường cất hạ cánh của Nhà nước, còn nhà ga sân đỗ của quốc phòng. Đối với hàng hải, luồng tàu, đèn biển của nhà nước, cảng biển dịch vụ của doanh nghiệp. Đối với đường bộ, đường của nhà nước, bến tàu, bến xe, dịch vụ của doanh nghiệp. Nhưng với đường sắt, cả kết cấu hạ tầng, nhà ga kho bãi đều của Nhà nước.

“Luật Đường sắt sửa đổi đã cho phép kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp cho thuê tại các khu ga. Nhưng cho ai kinh doanh, có thể kinh doanh được không nó phụ thuộc vào quyền kinh doanh. Tổng Công ty Đường sắt được giao toàn bộ quản lý khai thác tài sản này, nhưng lại không phải vốn của đường sắt, tài sản của đường sắt quản lý cho Nhà nước” – ông Minh nêu khó khăn./.

Phạm Thanh

259 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 744
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 744
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76211324