'Đường cao tốc' đưa hàng hoá Việt Nam đến thị trường lớn nhất thế giới 

(Chinhphu.vn) – Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những sáng kiến của Chính phủ, những nỗ lực vận động, thúc đẩy đổi mới, mở rộng thị trường, với kết quả là Hiệp định thương mại tự do EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ được ký kết vào ngày 30/6 tới đây. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội thì cả Chính phủ và các doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm.

 


Đây là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 mới đây. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hiệp định thương mại tự do EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ được ký kết vào ngày 30/6 tới đây sẽ mở ra một “con đường cao tốc hàng đầu”, đưa nền kinh tế Việt Nam đến với một trong những thị trường lớn nhất toàn cầu, trung tâm khởi nguồn của công nghệ thế giới, hệ thống vận hành chuyên nghiệp… 

Toàn cảnh diễn đàn VBF giữa kỳ 2019. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.


Chủ tịch VCCI kỳ vọng, sự khơi thông dòng chảy thương mại và đầu tư chất lượng cao này sẽ là cơ hội giúp châu Âu có thêm việc làm và Việt Nam cất cánh. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng thì EVFTA – "hòn đá tảng" trong chính sách thương mại đầu tư của Việt Nam với EU, càng có ý nghĩa càng quan trọng. Ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng, ngay sau VBF giữa kỳ năm 2019, Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu (Eurocham) cùng VCCI và các đơn vị liên quan cùng chung tay chuẩn bị ngay khung hành động thực hiện Hiệp định. 

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI lưu ý, Việt Nam thời gian qua đã tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận thương mại quốc tế, với kỳ vọng có thể mang lại những cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong nước nhưng tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có mức độ hiểu biết về các hiệp định này là rất hạn chế. Cụ thể, có 63% doanh nghiệp dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về cộng đồng kinh tế ASEAN. 

Tuy nhiên, với Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, con số này lần lượt lên tới 71 và 77%. 

Rõ ràng, là rất khó để các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế, khi chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đàm phán trong thời gian vừa qua. 

Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng. Môi trường kinh doanh tại Việt Namdù có cải thiện, nhưng vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập tốt hơn. Chủ tịch VCCI cho rằng, cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho doanh nghiệp. 

“Kết quả đầu ra PCI năm 2018 cho thấy có 16% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động, chỉ tiêu này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây”, ông Vũ Tiến Lộc nêu ví dụ. 
Đại diện VCCI cho rằng, cần cải cách thủ tục hành chính cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm. Phản ánh của doanh nghiệp trong nước qua điều tra của VCCI cho thấy một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, cụ thể là đất đai (30%), thuế (28%) và bảo hiểm xã hội (25%)… 

Trong khi chưa sửa được Luật cần có ngay các hướng dẫn nhất quán, áp dụng thống nhất cho các địa phương và doanh nghiệp không để mỗi địa phương, cơ quan giải thích theo một kiểu; cần ban hành luật sớm về đối tác công tư để khai thông nguồn vốn này, bảo đảm cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước có cơ hội tham gia các dự án quan trọng…
 
Cần tăng cường minh bạch thông tin cho doanh nghiệp. Việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa có cải thiện đáng kể theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó tiếp cận một số loại thông tin tại cấp địa phương là khá cao. Ví dụ kế hoạch mua sắm công (60%), bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (58%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (54%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (54%).

Đáng chú ý, vẫn có tới 69% doanh nghiệp cho biết cần có "mối quan hệ" để có được các tài liệu của tỉnh. Chủ tịch VCCI cho rằng, cần thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới như: Kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản trị tiêu chuẩn quốc tế; ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để định hướng lựa chọn đầu tư các dự án thế hệ mới có công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát động phong trào năng suất Việt Nam; thúc đẩy chương trình hàng Việt chinh phục người Việt Nam và thế giới. 

Đại diện phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU  (EVFTA) là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.


Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử. Chính phủ sẽ tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất, tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ quan tâm đến rất nhiều khía cạnh, vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. 

“Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong đầu tư, kinh doanh của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý. Các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ là tập trung đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo với phương châm xuyên suốt coi doanh nghiệp là trung tâm của kiến tạo chính sách, khích lệ doanh nghiệp vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ và tham gia, trở thành bộ phận không thể thiếu của phát triển đất nước, đồng hành cùng Chính phủ trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp nhằm góp phần hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho cả đất nước và bản thân doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Anh Minh
257 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 860
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 860
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77127861