Đuối nước gia tăng ở tuổi học đường 

(ĐCSVN) – Từ đầu năm đến nay, tình trạng học sinh bị đuối nước liên tục xảy ra trên phạm vi cả nước, số lượng vụ đuối nước gia tăng khi kỳ nghỉ hè được cho là sớm hơn khi thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em

Vụ đuối nước mới nhất xảy ra vào ngày 3/6 tại xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai khiến 2 học sinh tử vong. Theo đó, vào khoảng 17h30 cùng ngày, nhóm hơn 10 học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ, phường Yên Thế, TP Pleiku rủ nhau đi thả diều và chơi tại khu đất trống thuộc thôn 4, xã Biển Hồ, TP Pleiku.

Khi đang chơi thì 4 em học sinh trong nhóm bị trượt chân xuống hồ và lọt vào vùng nước sâu. Thấy vậy, người dân quanh vùng đã kịp thời chạy đến cứu được 2 em lên bờ an toàn. Còn 2 em N.H.M.T. và T.D.L.T (cùng sinh năm 2009) tử vong trên đường đi cấp cứu.

Sáng 20/5, trong lúc người lớn không để ý, cháu Hồ Sỹ C (4 tuổi) và cháu Lê Thạc Q (3 tuổi) ở phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An tự ý mở cổng đi ra ngoài chơi và bị đuối nước ở ao gần nhà. Phát hiện sự việc, người nhà và hàng xóm đã đưa hai cháu đến cơ sở y tế cấp cứu nhưng hai cháu đã tử vong từ trước.

Trong tháng 4 cũng đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, đó là vụ việc một bé trai 6 tuổi tử vong do đuối nước tại một hồ bơi ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ vào chiều ngày 11/4. Trước đó, tại Quảng Bình vào ngày 10/4 cũng đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến hai chị em gái trong một gia đình tử vong khi đi bắt ốc.

Có thể thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều vụ học sinh bị đuối nước xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn cho các em nhỏ. Đuối nước được coi là một vấn đề y tế công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân tử vong chấn thương hàng đầu trên thế giới. Đuối nước có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em dưới 15 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ nhất.

Tại Đồng Tháp, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 4, toàn tỉnh này cũng đã xảy ra 6 vụ, với 7 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước, tăng 5 em so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 33 trẻ em tử vong do đuối nước, thậm chí có thời điểm, 5 trẻ em ở tỉnh này đã thiệt mạng liên tiếp trong một tuần do đuối nước. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2020, toàn tỉnh có 579 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 73 em tử vong do tai nạn đuối nước. Ông Phạm Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, học sinh phải nghỉ học sớm. Các em đang ở độ tuổi hiếu động, thường thích chơi ở khu vực ao, hồ, sông suối hoặc theo cha mẹ đi nương, rẫy nên thiếu sự giám sát của người lớn, dẫn đến tai nạn đuối nước đau lòng…

Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em

 Dạy bơi cho học sinh ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Hằng năm, đuối nước lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Con số này khiến Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng nguyên nhân chính chủ yếu do trẻ không biết bơi hoặc thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước.

Bên cạnh đó là do thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Các em cũng chưa thực sự ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, tắm sông, suối, ao hồ... khi không có người lớn giám sát, trong khi phần lớn các em thiếu kỹ năng bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống khi bơi lội. Ngoài ra, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.

Một nguyên nhân khác là công tác công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống đuối nước cho con em, học sinh của các của các cấp chính quyền, các nhà trường còn nhiều yếu kém, thụ động. Hình thức tuyên truyền hiện vẫn còn khô cứng, nhiều nơi vẫn chỉ phát trên loa phát thanh, thực hiện ký cam kết với các gia đình mà không tính đến hiệu quả trên thực tế.

Tai nạn đuối nước xảy ra nhiều nhất là vào dịp nghỉ hè, nhất là trẻ em ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối. Liên tiếp các vụ đuối nước tập thể thương tâm xảy ra thời gian qua, để lại nỗi đau, sự tổn thất to lớn cho gia đình và xã hội. Điều kiện sống của trẻ em Việt Nam có nhiều ao hồ, kênh, rạch, sông, suối… đây là nguy cơ tiềm ẩn của đuối nước. Chính vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em là dạy bơi cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2018, Bộ phối hợp với Tổ chức Y tế  Thế giới (WHO) và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (CHAI) triển khai các chương trình can thiệp về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam tại 8 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Theo đó, đã có khoảng 1.000 trẻ (6-15 tuổi) đã được học bơi an toàn trong môi trường nước.

Trong những năm qua, nhiều địa phương cũng đã đưa môn bơi lội vào trường học bằng cách tổ chức các bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các em gặp tình huống đuối nước có thể tồn tại dưới môi trường nước để chờ người lớn tới cứu.

Dạy kỹ năng an toàn cho trẻ là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh… Cần tăng cường nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn, bởi phòng hậu quả đuối nước là chuyện của cả cộng đồng.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa ban hành công điện 04 về tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em, Bộ đã đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, giải pháp đồng bộ.

Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh, tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh và phòng, chống đuối nước trẻ em. Cũng theo công điện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên và hướng dẫn viên dạy bơi; vận động các gia đình chủ động đưa trẻ em đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại địa phương để tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.

Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em. Chỉ đạo xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước gây tử vong trẻ em./..

 Một số lưu ý khi cho trẻ đi tắm biển, ao, hồ, sông

- Luôn cho trẻ mặc áo phao/phao.

- Kiểm tra độ sâu và chướng ngại vật trước khi cho trẻ bước chân xuống nước.

- Luôn bơi cùng trẻ và bơi không quá xa bờ 15 m.

- Không để trẻ tắm quá 2 tiếng liên tiếp, vì điều này có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh.

- Không nên tắm vào thời điểm từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều.

- Thường xuyên chú ý đến trẻ em vì ngay cả trong nước cạn, sóng cũng có thể đánh úp khiến trẻ chới với.

- Cần thận trọng khi cho trẻ tắm biển trong thời tiết xấu, sóng lớn; tắm ở vùng hoang vắng, tắm gần các bến bãi tàu bè, mỏm đá, cọc đóng trên biển…

- Chỉ được tắm trong khu vực được chỉ định.

- Cần cho trẻ lên bờ ngay nếu trẻ cảm thấy lạnh người, mệt mỏi đột ngột, nhức đầu hoặc đau nhức sau gáy, chuột rút, ngứa ngáy cơ thể, rối loạn thị giác, đau khuỷu tay, đầu gối và có dấu hiệu bị trướng bụng…

- Cha mẹ hãy nhắc trẻ: tránh xa các dòng chảy siết, tắm quá xa bờ biển, hồ, ao nơi quá sâu. Luôn bơi gần nhân viên cứu hộ. Nếu không may bị nước cuốn hãy giơ tay vẫy và la lớn để nhờ người trợ giúp.

 
K.V
391 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 639
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 639
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88305074