Ngày 01/3/2022, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 4292/QĐ-TLĐ liên quan đến chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định dừng thực hiện chi hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 kể từ ngày 01/3/2022.
Việc chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị mắc bệnh COVID-19 (kể cả F0 tử vong) từ ngày 01/3/2022 trở đi được giao cho các cấp công đoàn thực hiện theo phân cấp tài chính quy định tại các Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn ngày 01/3/2022 ban hành quy định về thu, chi, quản lý tài chính, tài sản công đoàn cơ sở (thay thế Quyết định số 1910/QĐ-TLĐ) và Quyết định số 4291/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 của Tổng Liên đoàn về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu trong các cơ quan công đoàn (thay thế Quyết định số 1911/QĐ-TLĐ).
|
Đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 sẽ được hỗ trợ theo Quyết định số 4292/QĐ-TLĐ kể từ ngày 01/3/2022 |
Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chi hỗ trợ cho các đối tượng bị COVID-19 trước ngày 01/3/2022 theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ được thực hiện chậm nhất đến ngày 31/3/2022.
Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ đã có hiệu quả nhất định trong việc vừa đảm bảo chi hỗ trợ cho đối tượng đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh “bình thường mới”, vừa đảm bảo việc dành nguồn tài chính công đoàn cho việc chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Áp dụng các quyết định hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trong hai năm qua, các cấp Công đoàn đã chi hơn 5,8 nghìn tỉ đồng chăm lo cho người lao động. Cùng với đó, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã chuyển phương châm phòng chống dịch từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát rủi ro, hạn chế phong tỏa diện rộng, giảm việc dừng việc, nghỉ việc, giảm thời gian cách ly y tế do COVID-19. Do đó, việc chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.
Mặt khác, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của nước ta đã đạt ở mức cao, thuộc nhóm 6 nước cao nhất thế giới. Điều này góp phần giảm ca bệnh triệu chứng nặng và số ca tử vong do COVID-19. Theo nhiều chuyên gia y tế, sau khi đã tiêm phủ vắc xin diện rộng trong toàn dân thì nên coi COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa, cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác.
Từ những lý do trên, Đoàn Chủ tịch đã quyết định dừng thực hiện Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ. Từ thời điểm 01/3/2022, việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị nhiễm COVID-19 được giao cho các cấp công đoàn thực hiện cho phù hợp với các quy định của các cấp Công đoàn về chi hỗ trợ các trường hợp đoàn viên, người lao động bị ốm đau, mắc bệnh nghề nghiệp, dịch bệnh, tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn…Trước đó, chủ trương này cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Tổng Liên đoàn, bà Trần Thị Thanh Hà chia sẻ.
Quyết định số 4292/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 nêu rõ, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định hoặc quy chế chi tiêu nội bộ tại cấp mình và hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc triển khai thực hiện việc chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động đảm bảo đúng các quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng với đó tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động nắm rõ chủ trương, chính sách và đồng thuận trong triển khai các chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn. |
Minh Châu