Có dự báo cho thấy với sự phát triển của khoa học-công nghệ hiện nay thì một số ngành nghề sẽ hoàn toàn biến mất trong khoảng 2 thập kỷ tới. Vậy “sản phẩm” của một nền giáo dục cứng nhắc liệu có thích nghi được với thời đại hay không?
Đại học Fulbright Việt Nam và Chương trình giáo dục phổ thông mới
Câu chuyện được “thực nghiệm” tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam đang mở ra một tư duy mới. Đó là không ngại lắng nghe ý kiến từ nhiều phía và liên tục điều chỉnh, cập nhật nội dung, cách thức truyền thụ - trao đổi kiến thức giữa nhà trường và sinh viên.
Theo lý giải của Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy, nếu nhập khẩu “nguyên đai, nguyên kiện” chương trình giáo dục của các trường đại học danh tiếng như Havard, Yale, Stanford hay Chicago thì cơ bản có thể được xã hội Việt Nam dễ dàng đón nhận ngay. Tuy nhiên, giáo dục Mỹ dù được cho là rất ưu tú nhưng đã trải qua 200 năm xây dựng. Câu hỏi là nền giáo dục ấy có còn đáp ứng được nhu cầu thực sự của thế kỷ 21 không hay từ nội tại cũng đang có những vấn đề cần xem lại?
“Fulbright Việt Nam có lợi thế đi sau, vậy nên chuyện nhập khẩu ‘nguyên chiếc’ cách thức giáo dục kiểu Mỹ không phải là con đường khôn ngoan”, bà Thuỷ nhận định.
Theo người đại diện Fulbright Việt Nam, Để đương đầu với sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay thì giáo dục ít ra cũng phải ‘tịnh tiến’ cùng tốc độ với sự thay đổi của khoa học, công nghệ.Ý kiến phản hồi của sinh viên về sự phù hợp của chương trình học là rất quan trọng đối với nhà trường và giảng viên. Vì có thể học sinh Việt Nam rất giỏi các môn tự nhiên nên nhà trường cần đẩy tiến độ chương trình lên nhanh hơn. Còn các môn xã hội sẽ có sửa đổi nhất định để phù hợp với văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Do đó, giáo trình và phương pháp tại Fulbright Việt Nam sẽ không cố định mà thường xuyên thay đổi sau khi tiếp nhận ý kiến từ người học.
Đây cũng là định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến qua chia sẻ của GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên. Cụ thể, khi Chương trình đi vào thực tế rộng rãi, cả người dạy và người học sẽ không còn bị bó buộc vào sách giáo khoa. Học sinh có quyền lựa chọn chủ đề và môn học phù hợp. Do đó, ở giai đoạn trung học phổ thông, số môn học mà mỗi học sinh phải lĩnh hội cũng sẽ ít hơn hiện nay.
Đã đến lúc, sự cải tổ nền giáo dục Việt Nam cần nhận được đồng thuận nhiều hơn vì nhu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước.
Huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục
Nếu như dự kiến từ nhiều năm qua của ngành giáo dục (theo Nghị quyết 88/2014/QH13) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được cho là dựa trên nhiều khảo sát từ trước đó thì dưới góc nhìn của những người tâm huyết như TS. Trần Ngọc Châu, nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, kinh nghiệm về huy động “nguồn lực xã hội” thông qua khảo sát của Hoa Kỳ cũng nên được tham khảo.
Theo đó, những năm đầu thập niên 1980, Báo cáo Điều tra giáo dục Hoa Kỳ được công bố với tiêu đề “Đất nước lâm nguy” đã dấy lên sự quan tâm của đông đảo công chúng khi tiết lộ con số gây sốc “cứ 5 học sinh tốt nghiệp trung học thì có tới 4 người không đạt các hiểu biết tối thiểu về Toán học, Tiếng Anh cùng nhiều môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội khác”. Vậy là, một cuộc kiến thiết giáo dục đã được vận động với sự tham gia tích cực của giới chủ doanh nghiệp - những người sẽ “tiêu thụ” sản phẩm của nền giáo dục ấy trong nay mai. Một tỷ phú được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban Giáo dục công lập của tiểu bang Texas để củng cố các tiêu chuẩn về chất lượng học sinh trung học về cả học lực và hạnh kiểm.
Ở Pennsylvania, một nhóm các công ty dẫn đầu bởi Westinghouse Electric đã trao các “học bổng sáng tạo” cho giáo viên và hiệu trưởng có nhiều sáng kiến trong giảng dạy. Cộng đồng doanh nhân Lousiana thì vận động để có khoản tăng thuế trị giá 20,5 triệu USD tài trợ cho cải tiến các trường học ở New Orleans. Các doanh nghiệp ở Nam Carolina thì kêu gọi các nhà lập pháp tăng thuế bán hàng để giúp tăng lương cho giáo viên và các chương trình cải tổ giáo dục.
Liên minh doanh nghiệp quốc gia và Phòng Thương mại Hoa Kỳ cũng công bố một chương trình giúp các nhà hoạch định chính sách đặt ra tiêu chuẩn học tập khắt khe, áp dụng cho học sinh ở tất cả các trường học và lấy đó làm căn cứ để các công ty tuyển dụng lao động sau này…
Tất nhiên, cũng đã có tranh cãi để giới doanh nghiệp can thiệp sâu thì giáo dục sẽ bị thương mại hóa. Nhưng bỏ lại tất cả các chỉ trích và “tác dụng phụ” ấy, gần một thập niên sau đó, thống kê của Trung tâm Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ năm 1990 cho thấy 40% học sinh tốt nghiệp trung học đã đạt được các yêu cầu cốt lõi tại Báo cáo “Đất nước lâm nguy”.
Nói để thấy ngay cả một nền giáo dục của Mỹ cũng từng trải qua những thời khắc khó khăn. Và Việt Nam cũng đủ nền tảng để tự tin là có thể trông đợi vào một sự đồng lòng tương tự. Ông Phạm Phú Ngọc Trai, nguyên Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Dương cho hay “chuyện giáo dục con người không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục, mà cũng cần được thực thi ngay tại các doanh nghiệp”.
Thực ra, từ năm 2013, Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam đã có đề cập đến sự tham gia của toàn dân vào phát triển giáo dục. Không đơn giản là huy động sức dân để mở trường tư thục mà người dân còn được tham gia giám sát, điều hành và hưởng thụ các thành quả của nền giáo dục ấy. Còn trong các nhà trường, cả người học lẫn người dạy đều được quyền nói lên suy nghĩ, tư duy của mình; học sinh cũng được quyền lựa chọn nội dung học tập yêu thích…
Kiến tạo giáo dục nước nhà, bởi vậy, là trách nhiệm không của riêng ai.
Phương Hiền