Đừng để người say cầm lái 

(Chinhphu.vn) - Một trong những quy định đáng chú ý nhất ngay dịp đầu năm 2020 là việc xử phạt đối với những người uống rượu bia điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.

 

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở người tham gia giao thông.

Với các phương tiện là ô tô xe máy, mức phạt đã tăng rất nhiều và thậm chí cả người sử dụng rượu bia đi xe đạp cũng có thể bị phạt đến 600.000 đồng.

Điều có thể dễ dàng nhận thấy đó là sự quyết liệt của những cơ quan soạn thảo cũng như thực thi pháp luật.

Thực tế, thói quen sử dụng rượu bia trong đời sống hàng ngày đã tồn tại và ăn sâu vào đời sống người dân. Ngoài nhu cầu sử dụng rượu bia của chính cơ thể mỗi người, những thức uống có cồn này trở thành một “phương tiện”, thậm chí là một “phong trào” trong những cuộc hội họp đông người.

Từ chỗ như là một thức uống để giao đãi, mời rượu rất dễ ràng trở thành ép rượu, phạt rượu. Đủ các hình thức từ “bài binh bố trận” thách rượu, khích bác, thậm chí nhiều nơi người ta còn biến nó thành thứ vũ khí để ăn thua để chiếm ưu thế và thể hiện bản lĩnh theo kiểu “mình uống rượu... giỏi hơn họ”.

Kết quả là cả “chủ” lẫn “khách”, cả “quân mình” lẫn “đối phương” đều đưa một lượng lớn đồ uống có cồn vào cơ thể, ngay cả khi chính mình không còn cảm thấy hứng thú hay có nhu cầu.

Những thiệt hại về sức khỏe là khó có thể đo đếm. Và tai hại hơn, đằng sau những bữa tiệc đó là những chuyến đi của hầu hết những người từng nâng chén chạm cốc. Tất yếu, khả năng quan sát xử lý đã bị suy giảm đáng kể đồng nghĩa với việc xác xuất va chạm, gặp tai nạn cũng tỷ lệ thuận tăng theo và kết quả là những vụ tai nạn giao thông với những con số đau lòng: người chết, người bị thương...

Mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), rượu bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi. 

Nhưng chính từ trong lòng xã hội, những người hiểu biết hơn, có trách nhiệm hơn đã phản đối chuyện dễ dãi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia. Đó chính là phản ứng từ dư luận khi có phương án  không đưa quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vào luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Điều này cho thấy thái độ của xã hội với những hành vi uống và lái xe một cách vô trách nhiệm.

Và luật pháp với những quy định ưu việt hơn sẽ tác động và thay đổi những tập tục thói quen, đặc biệt khi đó là những thói quen có hại cho cá nhân cũng như cho xã hội.

Tất nhiên quy định đã uống rượu bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông hoàn toàn không cấm uống rượu nhưng nó đặt ra những nghĩa vụ, những lựa chọn mà mỗi người trước và cả sau khi uống rượu phải cân nhắc, suy nghĩ, quyết định. 

Mới đây, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng đã cho biết trong năm 2019 lực lượng chức năng tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm đã dẫn tới tình trạng có 300.000 ô tô, xe máy bị tạm giữ. Số lượng xe này quá lớn khiến các bãi giữ xe bị quá tải.

Điều đó cũng cho thấy ngoài những biện pháp mạnh trong xử lý vi phạm, xã hội nói chung luật pháp nói riêng còn phải có nhiều chính sách, nhiều chế định để phòng ngừa từ trước khi hành vi vi phạm xảy ra.

Quyết liệt trong quy định về cấm tuyệt đối việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia chắc chắn sẽ tác động đến thói quen nếp sống sinh hoạt và từng bước thay đổi ý thức của người dân để xã hội bớt đi những mất mát từ những vụ tai nạn giao thông do người say cầm lái... Dù có thể còn có những ý kiến khác nhau về cách thức thực hiện, nhưng "đã uống rượu bia thì không lái xe" rõ ràng là một yêu cầu từ chính cuộc sống.

Quang Lê 

502 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 945
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 945
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87077992