Ngày 18/11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Thường trực Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo kết quả xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 15 đến nay; thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc nổi cộm, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN |
Khởi tố mới 10 vụ án, kết thúc điều tra 21 vụ án
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh, từ sau Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo; quan tâm phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng của các bị can, bị cáo để xử lý theo quy định của pháp luật; đã xử lý dứt điểm 13 vụ án, 24 vụ việc; khởi tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 07 vụ án; kết thúc điều tra 21 vụ án/127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án /98 bị can; xét xử sơ thẩm 12 vụ án/41 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/156 bị cáo; đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng.
Đã tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, như: Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; Vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; Vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Đạt được những kết quả nêu trên là do Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng đã có quyết tâm lớn, đồng thuận cao, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, có cách làm khoa học, bài bản, nề nếp. Từ thực tiễn chỉ đạo xử lý các vụ án lớn rút ra nhiều kinh nghiệm quý và tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác PCTN với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, không có vùng cấm được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo
Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai tích cực, khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Từ nay đến hết năm 2019, kết thúc điều tra 06 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 05 vụ án; xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 02 vụ án; kết thúc xác minh 17 vụ việc.
Đặc biệt, khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 05 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, bao gồm: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến Dự án 15 Thi Sách, TP. Hồ Chí Minh; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP. Đà Nẵng; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan; Vụ án “Giả mạo trong công tác; Sản xuất, buôn bán hàng giả”, xảy ra tại Công ty Lũng Lô và một số công ty, tổ chức liên quan; Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
|
Hình ảnh tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Ảnh: TTXVN |
Tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vụ án: Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, TP Hồ Chí Minh, liên quan đến Dự án tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất, bổ sung 02 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án “Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Kết thúc việc theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đối với 04 vụ án, 08 vụ việc, do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật./.