Quang cảnh một phiên họp của Bộ Chính trị.

Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được Bộ Chính trị (khóa XIII) nêu trong Kết luận số 48-KL/TW ngày 30-1-2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Trong Kết luận số 48-KL/TW, Bộ Chính trị đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2030, toàn quốc hoàn thành sáp nhập huyện, xã còn lại có diện tích và dân số dưới chuẩn; huyện có diện tích dưới 30% và dân số dưới 200% quy định; xã diện tích dưới 30% và dân số dưới 300% quy định. Việc sắp xếp huyện, xã phải phù hợp quy hoạch tỉnh, nông thôn, đô thị; xác định rõ lộ trình, bảo đảm đồng thuận của Nhân dân.

Đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định...

Các địa phương được khuyến khích chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp thực tiễn, kể cả những nơi đã bảo đảm tiêu chuẩn…

Một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính là tinh giản được biên chế. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế dù đã thực hiện nhiều năm vẫn luôn là “bài toán khó”. TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Đại biểu Quốc hội từng phát biểu rằng: “Nói tới việc tinh giản biên chế đã rất ngại chứ chưa nói đến làm, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi từng cá nhân, từng cơ quan”... Nêu như thế để thấy rằng, việc thực hiện Kết luận số 48-KL/TW là vấn đề hệ trọng như thế nào.

Đáng chú ý, xác định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm tinh giản biên chế được hay không lại phụ thuộc rất lớn vào vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, người đứng đầu. Vì vậy, Bộ Chính trị cũng coi kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu.

Có thể nói sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn; bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện chủ trương này, trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Theo đó, đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện; giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 141 người cấp huyện, 3595 người cấp xã; giảm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt hơn 2.000 tỷ đồng... Sau sắp xếp, toàn quốc có khoảng 10.400 cán bộ cấp huyện, xã dôi dư sau sáp nhập. Bộ máy cơ quan nhà nước của đơn vị hành chính mới hình thành đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao… Những con số “biết nói” trên cho thấy kết quả sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua đã đạt kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 -2021 còn một số hạn chế như: Chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; chất lượng đô thị chưa được bảo đảm do sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị; việc sắp xếp, xử lý các trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn bất cập. Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp chưa kịp thời... Đây là những hạn chế cần phải khắc phục trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới. 

Trước yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, bộ máy nhà nước, việc sắp xếp này rất cần thực hiện quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Vì vậy, chủ trương từ Kết luận số 48-KL/TW là rất cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay và sắp tới của đất nước, nhất là khi việc quản lý hành chính hiện tại đã thuận tiện hơn nhiều do đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống xã hội. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là cần đưa quyết tâm chính trị nói trên trở thành hành động.

Muốn thế, ngay từ bây giờ các cơ quan Trung ương và UBND cấp tỉnh và các đơn vị liên quan cần sớm thể chế hóa quyết tâm của Bộ Chính trị thành những chủ trương, kế hoạch, đề án, hướng dẫn cụ thể, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để triển khai.

Mặt khác, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp. Trong quá trình đó phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Tinh gọn bộ máy cũng cần đi đôi với tiết giảm thủ tục hành chính để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp cũng cần tính đến yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống văn hóa của mỗi địa phương để việc sắp xếp không là “phép cộng” cơ học một cách đơn thuần…

Có thể nói, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là rất cần thiết. Làm tốt việc này sẽ góp phần xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Chúng ta tin tưởng rằng, với Kết luận rõ ràng, cụ thể, mang tính thực tiễn cao, trên tinh thần phổ biến, quán triệt và triển khai nghiêm túc, chắc chắn công tác này sẽ thu được những kết quả thiết thực, tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ…/.

 
Thu Hà