Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Quốc vương Bru-nây Đa-rút-xa-lam (Brunei Darussalam) Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a (Haji Hassanal Bolkiah) thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 26 đến 28 tháng 3 năm 2019. Sáng ngày 27 tháng 3, lễ đón chính thức Quốc vương đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho Nguyên thủ quốc gia. Ngay sau lễ đón, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a.
Tại hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng Quốc vương Bru-nây thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần thứ hai trong vòng 21 năm; nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu việc đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Bru-nây lên một tầm cao mới - quan hệ Đối tác Toàn diện.
Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a bày tỏ vui mừng trở lại thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp và giàu lòng mến khách; chân thành cảm ơn tình cảm và sự đón tiếp trọng thị của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nhân dân Việt Nam dành cho Quốc vương và đoàn đại biểu cấp cao Bru-nây; bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu to lớn Việt Nam đạt được thời gian qua, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong không khí hữu nghị và cởi mở, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a đã trao đổi sâu rộng về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm.
Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh việc hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện là kết quả của những tiến triển tích cực và vững chắc trong quan hệ hai nước thời gian qua, sẽ góp phần tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác song phương tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả và thực chất, đặc biệt trên các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, giáo dục - xã hội, giao lưu nhân dân, cũng như hợp tác trong ASEAN và các khuôn khổ đa phương khác.
Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh, nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục duy trì triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương, đồng thời nghiên cứu thiết lập thêm các cơ chế hợp tác mới, tương xứng với phạm vi, quy mô và nhu cầu hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a khẳng định quan hệ kinh tế giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để tăng cường hợp tác; nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước sớm đạt 500 triệu USD, thông qua các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh trao đổi thông tin về chính sách, thị trường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Bru-nây tiếp tục là nhà đầu tư lớn thứ tư trong ASEAN vào Việt Nam với gần 200 dự án tổng trị giá hơn 1 tỷ USD; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Bru-nây đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt vào các lĩnh vực then chốt như phát triển hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, du lịch và dịch vụ. Bru-nây cam kết tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn ha-la (halal) quốc tế để tiếp cận các thị trường Hồi giáo, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gạo và nông - thủy sản.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a.
Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh là điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian qua; đánh giá cao việc triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng năm 2005 và Bản ghi nhớ về Hợp tác hải quân năm 2013; nhất trí tăng cường hợp tác cụ thể giữa các lực lượng quốc phòng, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc phòng đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hợp tác an ninh trong bối cảnh an ninh khu vực còn nhiều thách thức; nhất trí chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức, buôn bán người, khủng bố, tội phạm công nghệ cao, đồng thời nhất trí khởi động trao đổi về việc ký kết các Hiệp định về dẫn độ, tương trợ tư pháp và chuyển giao người bị kết án.
Hai bên cho rằng hợp tác biển là lĩnh vực quan trọng cần quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới, hoan nghênh Thỏa thuận cấp Chính phủ về thiết lập Đường dây nóng hỗ trợ hoạt động nghề cá trên biển, nhất trí triển khai hiệu quả thỏa thuận và mở rộng hơn nữa hợp tác nuôi trồng và chế biến thủy - hải sản, chia sẻ thông tin thực thi pháp luật trên biển, đối phó với các thách thức an ninh trên biển nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải.
Hai nhà Lãnh đạo cũng đã trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác văn hóa - giáo dục, kết nối hàng không, thuận lợi hóa các thủ tục xuất nhập cảnh, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân để tăng cường hơn nữa hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai nước. Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a cam kết xem xét tích cực đề nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc sửa đổi thoả thuận miễn thị thực song phương theo hướng tăng thời hạn lưu trú không cần thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ cũng như người mang hộ chiếu phổ thông.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai (02/2019), qua đó thể hiện uy tín và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ khi Việt Nam và Bru-nây lần lượt đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và 2021, cùng đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; thúc đẩy hợp tác kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, làm sâu sắc quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực trên các nguyên tắc mở, minh bạch và bao trùm. Hai bên cũng cam kết tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khác, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực thông qua các thỏa thuận kinh tế đa phương tại khu vực mà hai nước là thành viên như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai bên nhắc lại lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông, khẳng định kiên trì nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường lòng tin và tầm quan trọng của việc không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Hai bên tái khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, theo một lộ trình được các bên nhất trí.
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và hiểu biết lẫn nhau. Sau hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bru-nây Đa-rút-xa-lam (toàn văn kèm theo). Hai nhà Lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc sử dụng đường dây nóng nhằm trao đổi thông tin để giải quyết hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép, không khai báo và không theo quy định./.
Mạnh Hùng