|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis đã đồng chủ trì cuộc họp Nhóm điều hành chiến lược Việt Nam-Đức lần thứ 5 - Ảnh: BNG |
Tại cuộc họp, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ song phương tiếp tục có nhiều bước phát triển tốt đẹp trong thời gian gần đây, nhấn mạnh bề dày và cơ sở vững chắc của quan hệ giữa hai nước.
Hai bên đã điểm lại tình hình hợp tác song phương theo khuôn khổ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức và bàn thảo Kế hoạch Hành động Việt Nam-Đức giai đoạn 2019-2021, nhấn mạnh đây là cơ sở để định hướng, đưa quan hệ Việt Nam-Đức có nhiều bước phát triển mới, sâu rộng hơn trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, an ninh, quốc phòng, giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch…, nhằm đáp ứng các yêu cầu của hai nước trong giai đoạn tới.
Hai bên nhất trí đánh giá thời gian tới, nhất là năm 2020 là giai đoạn quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Đức, đặc biệt trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cả hai nước cùng là Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Đức là Chủ tịch EU (sáu tháng cuối năm 2020).
Thứ trưởng Tô Anh Dũng và Quốc Vụ khanh Andreas Michaelis thống nhất hai bên phối hợp tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao để tạo đòn bẩy mở rộng quan hệ hợp tác song phương cũng như gia tăng phối hợp trên đa phương, thúc đẩy việc phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam-EU, sớm hoàn tất việc phê chuẩn và đưa các hiệp định EVFTA, EVIPA vào thực thi, góp phần tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU cũng như giữa Việt Nam và Đức.
|
Ảnh: BNG |
Quốc vụ khanh Andreas Michaelis đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua, cũng như vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong ASEAN và tại khu vực, nhấn mạnh mong muốn của phía Đức đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn, nhất là trên các lĩnh vực then chốt, nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa, phát triển năng lượng tái tạo, khoa học công nghệ, đào tạo lao động có tay nghề, hợp tác điều dưỡng viên, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0…
Hai bên cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực nhất là Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN-EU, hỗ trợ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, đảm bảo tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) tại Biển Đông.