|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ vừa có cuộc làm việc để bàn cơ chế hợp tác đưa nông sản vào tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại. Xin Thứ trưởng cho biết cơ chế hợp tác đó sẽ được thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Tại buổi làm việc mới đây với các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các đại biểu đều đồng tình với quan điểm của Bộ NN&PTNT là cần tạo ra cơ chế phối hợp không chỉ trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hiện nay mà còn để bảo đảm sự phát triển lâu dài, để nông sản Việt được tiêu thụ ngày càng nhiều trong siêu thị và các kênh phân phối hiện đại; giúp người nông dân hướng đến cách làm chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Cơ chế hợp tác này không chỉ hướng đến tiêu thụ vải thiều mà còn nhiều loại nông sản đang sắp vào vụ, tạo sự kết nối giữa Bộ NN&PTNT và các địa phương để doanh nghiệp được tạo điều kiện trong giao thương.
Để nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận thị trường cho các hợp tác xã, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đề xuất tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình. Hiệp hội có thể phối hợp với các đơn vị của Bộ để triển khai kế hoạch phối hợp sao cho hiệu quả nhất.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, hiện người sản xuất và doanh nghiệp vẫn “chưa gặp nhau”. Bộ NN&PTNT sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Chúng tôi đã thống nhất sẽ cung cấp lịch thời vụ, thời gian thu hoạch, sản lượng của sản phẩm để Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp có thể tổ chức diễn đàn xúc tiến tiêu thụ. Các hợp tác xã, đơn vị muốn đưa hàng vào kênh phân phối của họ có thể ngồi lại trao đổi, thống nhất kế hoạch, phương thức thu mua, thậm chí cả giá cả nông sản.
Thực tế, xây dựng vùng nguyên liệu là vấn đề quyết định cho sản xuất nông nghiệp, làm sao phải nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu là điều Bộ NN&PTNT rất trăn trở. Mới đây Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã làm việc với Cục Bảo vệ thực vật và yêu cầu không chỉ quan tâm cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu mà còn cấp mã số vùng trồng cho tiêu thụ nội địa.
|
Nhiều nông sản Việt Nam được chế biến thành dạng bột, siro, sấy khô... được thị trường quốc tế đón nhận - Ảnh: VGP/Trivie |
Vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn, cung cấp khối lượng đồng đều, giá cả ổn định cũng là điều nhiều doanh nghiệp bán lẻ quan tâm. Thứ trưởng có thể cho biết kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu của Bộ NN&PTNT như thế nào?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Tới đây, vùng nguyên liệu kể cả phục vụ trong nước cũng phải có mã số vùng trồng. Chúng tôi sẽ đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới để khuyến khích các địa phương xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu.
Hiện, các tập đoàn lớn không thiếu công nghệ, cái họ thiếu là nguyên liệu, cũng không phải không có nguyên liệu mà chưa gắn kết được. Bộ NN&PTNT cam kết, các doanh nghiệp, tập đoàn muốn xây dựng vùng nguyên liệu ở đâu, Bộ sẽ phối hợp hoặc hỗ trợ địa phương xây dựng.
Bộ NN&PTNT đang thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn cho doanh nghiệp ở các vùng sinh thái với diện tích dự kiến khoảng 26.000 ha.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những vùng nguyên liệu này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cụ thể, chúng tôi đang xây dựng vùng nguyên liệu dứa (khóm), chanh leo ở Sơn La, Công ty Đồng Giao (Doveco) sẽ bao tiêu. Trong vùng nguyên liệu này chúng tôi có kế hoạch xây dựng cả kho lạnh.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng chứng chỉ FSC tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị; vùng trồng cà phê xuất khẩu ở Đắk Lắk, Gia Lai; vùng trồng cây ăn quả (chuối, xoài, sầu riêng) ở Long An, Tiền Giang; vùng lúa chất lượng cao ở Kiên Giang, An Giang (dự kiến cuối năm 2021 sẽ triển khai) với mục tiêu cung cấp số lượng nông sản đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Các vùng nguyên liệu này sẽ được cấp mã số vùng trồng, được thực hiện các dự án khuyến nông để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để nâng cao năng lực cơ giới hóa và chế biến sản phẩm, Bộ NN&PTNT cũng tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược về nâng cao năng lực cơ giới hóa và chế biến nông sản để giảm tổn thất sau thu hoạch. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng mô hình cơ giới hóa cấp vùng để làm sao nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng chi phí logistics vận chuyển nông sản quá cao, ảnh hưởng đến việc đưa hàng đến các địa phương trong cả nước. Bộ NN&PTNT có hướng giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Hiện, Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án trung tâm cung ứng nông sản trên cơ sở học hỏi mô hình chợ đầu mối của Pháp. Chức năng của các trung tâm này không chỉ dừng lại ở cung ứng nông sản mà còn có thể kiểm định, bảo quản nông sản.
Trước mắt, Bộ NN&PTNT có kế hoạch xây dựng thí điểm ở Hà Nội, Quảng Ninh, TPHCM và Cần Thơ. Đối với vấn đề xây dựng kho lạnh, tôi xin khẳng định, phát triển hệ thống kho lạnh là cần thiết nhưng không nên vội vàng đầu tư ồ ạt mà nên tính toán đến hiệu quả sử dụng hàng hóa suốt một năm chứ không chỉ theo mùa vụ.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Đỗ Hương (ghi)