Đưa người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương 

(Chinhphu.vn) - Sáng 2/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD), đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật. Tuy nhiên, cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp về BVQLNTD.
Đưa người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương - Ảnh 1.

Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại tổ sáng 2/11 - Ảnh: VGP/LS

Quy định cụ thể chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7), các đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng "Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp xảy ra (nếu có) trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...". 

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương tương tự Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.

Đề cập đến 15 hành vi bị cấm trong dự thảo luật, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh) đề nghị cần làm rõ để có cơ sở xử phạt. 

Theo đó, khoản 4 Điều 11 có nêu là tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập sử dụng thông tin phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn cho phép hoặc không cho phép. 

Tuy nhiên đại biểu Trần Kim Yến nhận thấy, nếu gửi giao dịch mua bán trong cuộc sống hằng ngày mà phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn cho phép và không cho phép và cơ chế này như thế nào thì dự thảo không nêu rõ, đề nghị cần làm rõ hơn nội dung này.

Liên quan đến hàng hóa có khuyết tật, đại biểu cho rằng, hàng hóa có khuyết tật nghĩa là hàng hóa không đảm bảo được tiêu chí, nội dung theo yêu cầu của một món hàng đó, đề nghị sử dụng một cụm từ khác thay cho "khuyết tật". 

Ban soạn thảo cần thấy được mức độ nguy hiểm khi hàng hóa có lỗi mà đưa ra thị trường. Vì hàng hóa có lỗi sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe không phải chỉ người mua mà còn ảnh hưởng rất nhiều người. Do đó, đại biểu Trần Kim Yến đề nghị cần quy định các biện pháp để thu hồi thu hồi sản phẩm ở tốc độ nhanh nhất.

Tán thành với đại biểu Kim Yến, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TPHCM) đề nghị bổ sung vào nội dung là cung cấp thông tin. Theo đó, điểm đ Điều 17 dự thảo quy định việc ngăn cản người tiêu dùng các hành vi bị cấm là ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người cài đặt các phần mềm ứng dụng kèm theo các nền tảng trực tuyến. 

Đại biểu đề nghị bổ sung là cung cấp thông tin các dữ liệu điện tử cũng như các chứng từ điện tử. Đồng thời đề nghị bổ sung một hành vi bị cấm là ngăn cản người tiêu dùng cung cấp thông tin các dữ liệu điện tử, các chứng từ điện tử, rồi gỡ bỏ các phần mềm ứng dụng cài đặt sẵn.

Liên quan đến các hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đại biểu đề nghị bổ sung một nhóm, điều hoặc một chương riêng về quyền lợi của người tiêu dùng ở những sản phẩm mà cung cấp dịch vụ bắt buộc mà nhà nước cung cấp nhưng không không đạt kết quả cũng như không đạt với mong muốn của người tiêu dùng. Ví dụ như là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các loại bảo hiểm, hoặc các sản phẩm mà nhà nước cung cấp như dịch vụ điện, nước.

Một số đại biểu cũng đề nghị, việc sửa đổi Luật lần này phải đảm bảo vừa khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng thời xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo của Luật hiện hành với các luật được Quốc hội ban hành nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. 

Đồng thời, cần làm rõ sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo có cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng; giảm số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và mức độ nghiêm trọng của những vụ việc này; giải quyết hiệu quả các tranh chấp.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) chỉ ra rằng, dự thảo Luật có thiết kế Điều 7 về "bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương", đây là một quy định cần thiết vì người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. 

Trong việc thực hiện các giao dịch mua bán, những người vùng sâu, vùng xa, những người yếu thế, người già sẽ thực hiện rất khó khăn. Tuy nhiên vẫn cần làm rõ một số nội dung về xác định đối tượng dễ bị tổn thương…

Đưa người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Luật chỉ quy định những vấn đề mới, chưa có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh dưới góc độ bảo vệ sự yếu thế của người tiêu dùng - Ảnh: VGP/LS

Bảo vệ người tiêu dùng với các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nội hàm rộng được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành như Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa….

Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo hướng xác định rõ dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh dưới góc độ bảo vệ vị trí, yếu thế của người tiêu dùng.

Lý giải việc việc dự thảo Luật lần này bỏ đối tượng "tổ chức" ra khỏi khái niệm người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định người tiêu dùng, đối tượng vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. 

Trong khi đó, đối tượng tổ chức bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức không kinh doanh hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận về cơ bản đã có đầy đủ chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí, yếu thế của mình như có cơ cấu tổ chức, nguồn lực, tư vấn về pháp lý để giải quyết những vấn đề xảy ra tranh chấp. 

Mặt khác, hệ thống pháp luật dân sự, thương mại hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ đối tượng tổ chức, quá trình trong quá trình thực hiện giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Kinh nghiệm các nước đều quy định khái niệm người tiêu dùng, cá nhân mua, sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ.

Dự thảo Luật lần này cũng đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế. 

Theo đó đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; quy định một số nội dung phải kết hợp đồng từ xa; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số…

Cùng với đó, dự thảo Luật đã hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện tối đa để khuyến khích phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lê Sơn

158 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 341
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 341
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88798747