Dưa lưới Nhật và câu chuyện phát triển rau quả Việt Nam 

(Chinhphu.vn) – Dưa lưới Nhật có vị ngọt, giòn thơm mát thường dùng để làm quà biếu trong những dịp đặc biệt. Giá bán tại các cửa hàng hoa quả nhập khẩu ở Việt Nam lên tới cả triệu đồng/kg. Tuy nhiên loại quả này đã được nghiên cứu và trồng thành công tại Việt Nam.

 

Dưa lưới Nhật Bản được sản xuất tại Việt Nam. 

Dưa Nhật "made in Vietnam"

 

Dưa lưới Nhật có hương vị quyến rũ và rất bổ dưỡng, giàu vitamin A, C, chứa thành phần chống oxy hoá, chống loãng xương, và ngăn ngừa ung thư. Đặc biệt, dưa lưới Nhật Bản còn có “ngoại hình” bắt mắt với những đường vân đều và đẹp trên vỏ. 

Tuy vậy, giống dưa này lại rất khó trồng trong điều kiện ngoài đồng ruộng, do đặc tính khai vân nứt quả khiến vi khuẩn, nấm bệnh dễ xâm nhập. Cấu trúc vân lưới và chất lượng quả hoàn toàn tuỳ thuộc vào điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, và chế độ tưới nước, đòi hỏi phải được gieo trồng trong nhà kính hiện đại và người thực hiện làm chủ công nghệ sản xuất.

Mới đây, tại khu Công nghệ cao Hanam Hi-tech (Tập đoàn Vinaseed) đã nghiên cứu và trồng thành công dưa lưới Nhật. Ông Đỗ Bá Vọng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinaseed cho biết: “Khu Công nghệ cao Hanam Hi-tech với diện tích 21,59 ha sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại bậc nhất cả nước hiện nay. Với nhà ươm chuyên dụng sử dụng công nghệ mái cắt nắng và phun sương tự động, màng phủ Ginegar ngăn côn trùng, ngăn tia UV, cùng hệ thống xử lý nguồn nước, chế biến và đóng gói đồng bộ... đã đủ tiêu chuẩn sản xuất dưa lưới như tại Nhật Bản”

Dưa lưới từ khu Công nghệ cao Hanam Hi-tech có quả tròn đẹp, khai vân đều, trọng lượng tiêu chuẩn từ 1,5 – 1,8kg. Thịt quả giòn nhưng không cứng, ngọt dịu chứ không ngọt sắc. 

Ông Vũ Văn Vương, Phó GĐ Hanam Hightech tự hào: “Hiện nay dưa lưới chúng tôi sản xuất chất lượng tương đương như ở Nhật Bản mà giá thành lại chỉ bằng 1/10 dưa lưới Nhật nhập khẩu. Thực tế, chúng tôi đã và đang đón nhận những kết quả rất khả quan. Dưa sản xuất quanh năm, gối đầu liên tục, trồng đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó. Không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, đã có những đối tác từ châu Âu và Mỹ đặt vấn đề với Vinaseed để nhập khẩu”.

Tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị nông sản Việt. Trước đây, người làm nông nghiệp còn loay hoay với bài toán làm sao để tích tụ ruộng đất để có diện tích lớn để “trồng nhiều, thu nhiều”, nhưng thực tế lời giải cho giá trị nông sản lại nằm ở việc phát triển công nghệ. Câu chuyện dưa lưới Nhật “madein Vietnam” khá tiêu biểu cho việc đầu tư công nghệ thu về giá trị nông sản cao và giúp nông sản Việt có thương hiệu về công nghệ trên thị trường nông sản khu vực.

Cơ hội từ những khu nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Tasima Hisashi, Đại diện Văn phòng Jica (Nhật Bản) tại TPHCM, tiêu chí kỹ thuật về ứng dụng trình độ công nghệ cao để tạo ra sản phẩm có năng suất tăng ít nhất 30% và chất lượng vượt trội so với công nghệ đang sử dụng và tiêu chí kinh tế là sản phẩm do ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 30% so với công nghệ đang sử dụng ngoài ra còn có các tiêu chí xã hội, môi trường khác đi kèm. Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải tạo ra sản phẩm tốt, năng suất hiệu quả tăng ít nhất gấp 2 lần.

Cốt lõi của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn. Chất lượng ở đây đòi hỏi phải đáp ứng được 3 khía cạnh: Kỹ thuật, chức năng và dịch vụ. Bởi vì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ sản xuất để đáp ứng yêu cầu cho nhu cầu hằng ngày của con người mà còn phải mang lợi nhuận cao. Do đó, việc chọn lựa sản phẩm và hướng sản xuất phù hợp để đáp ứng nhu cầu của thị trường rất quan trọng.

Trên cùng một diện tích đất đai nhưng hàm lượng công nghệ được đầu tư nhiều hơn thì giá trị nông sản thu về có thể tăng lên rất nhiều lần. Riêng về ngành hàng rau quả, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, tiềm năng phát triển rau quả thời gian tới là rất lớn. Trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, rau quả được xác định là một trong những lợi thế trong của nhóm các nông sản của Việt Nam phục vụ xuất khẩu.

Hiện nay, mỗi năm nhu cầu về rau quả toàn cầu đạt khoảng 650 tỷ USD về giá trị, đây là cơ hội rất lớn trong đẩy mạnh xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cũng như đề xuất Chính phủ có các cơ chế chính sách tháo gỡ những khó khăn về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp trên cơ sở này nhân rộng, đẩy nhanh các mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

“Thời gian tới đây mặt hàng rau quả chúng ta còn tăng trưởng, dự báo còn tăng hơn nữa. Để làm tốt điều này cần phải nhân nhanh các mô hình liên kết đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở doanh nghiệp làm nòng cốt, chúng ta tập trung các yếu tố đầu vào áp dụng khoa học công nghệ từ khâu giống, tổ chức sản xuất cho đến khâu chế biến và mở thị trường thương mại và từ nòng cốt của doanh nghiệp sẽ liên kết với các hợp tác xã của nông dân với các trang trại, với các hộ nông dân để hình thành những vùng nguyên liệu tập trung thì chúng ta sẽ tổ chức thành công hướng tái cơ cấu nông nghiệp trong đó có ngành hàng rau quả của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đỗ Hương

443 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 585
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 585
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87227994