Đưa gạo Việt thương phẩm tiếp cận thị trường thế giới 

(Chinhphu.vn) – Mặc dù hiện nay lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, nhưng gạo thương phẩm của Việt Nam chưa được trực tiếp tới tay người tiêu dùng, hầu hết đều là các sản phẩm qua chế biến hoặc dưới nhãn mác của nhiều thương hiệu các quốc gia khác.

 

Nhiều loại gạo Việt Nam nếu được làm thương hiệu và tổ chức thương mại tốt sẽ thu về giá trị cao nhiều lần hiện nay - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chiều ngày 10/10, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2017, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng như: Gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ… Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Đại diện Sở Công Thương An Giang cho biết: Thị trường Trung Quốc vốn nhập khẩu gạo nhiều nhất từ Việt Nam thì nay cũng đưa ra nhiều điều kiện  khắt khe về kích cỡ hạt gạo. Nhiều lô hàng không đạt tiêu chuẩn bị trả về. Một số nước Hồi giáo khu vực Trung Đông lại thích loại gạo hạt dài, trong khi Việt Nam không có giống gạo đó nên không đáp ứng được.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Những tiến bộ trong sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất  lượng gạo Việt Nam. Ngoài ra, các giống lúa thơm, chất lượng cao nhằm phục vụ những phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan  tâm hơn”. Bên cạnh đó, ngày 15/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2018/NĐ-CP7 thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo, tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo.

Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách khác cũng như Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.

Sản xuất, xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Những  năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Hằng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Mặc dù sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ  trên thế giới, trong đó có các thị trường đỏi hỏi chất lượng cao, song Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, mặt hàng gạoViệt Nam vẫn cần tiếp tục khắc phục và hoàn thiện thêm một số mặt. Đó là, năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo còn hạn  chế. Ngoài ra, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn  chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến. Người tiêu dùng cuối cùng chủ yếu biết đến gạo Việt thông qua một thương hiệu khác hoặc sản phẩm gạo đã được chế biến mà  không biết đó là gạo Việt Nam.

Xung quanh câu chuyện sản xuất, xuất khẩu gạo  Việt, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin thêm: “Định hướng phát triển, sản xuất, xuất khẩu gạo thời gian tới là sản xuất theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng; xây dựng uy tín, thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”.

Hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu ở châu Á với tỉ trọng chiếm tới 60%. Ngoài ra, tỉ trọng xuất khẩu gạo sang châu Phi là 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam muốn thay đổi tỉ trọng xuất khẩu sang các thị trường như sau: Châu Á còn 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%.

Đỗ Hương

329 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 516
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 516
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76862529