|
Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai - Tổng cục Phòng chống thiên tai (Ảnh: N.H) |
Phóng viên (PV): Thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay Tổng cục Phòng chống thiên tai đã thực hiện được những nội dung công việc, hoạt động quan trọng nào, thưa ông?
Ông Tăng Quốc Chính: Thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung Chiến lược trên các phương tiện truyền thông; giới thiệu, phổ biến tại Hội nghị Phòng chống thiên tai; tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược. Đồng thời, tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và khung giám sát đánh giá thực hiện Chiến lược; xây dựng và triển khai các Nghị định, Thông tư, cơ chế chính sách để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu; triển khai các hoạt động, củng cố nâng cấp duy tu bão dưỡng công trình phòng, chống thiên tai; đôn đốc và tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chiến lược năm 2021 của các Bộ ngành và địa phương.
PV: Tính đến thời điểm cuối năm 2021, sau khi Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 8 tháng, xin ông cho biết tình hình thiên tai trong năm 2021? Những giải pháp đã được thực hiện? những mô hình về công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả gắn với những định hướng trong Chiến lược?
Ông Tăng Quốc Chính: Từ đầu năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng của 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, 325 trận dông lốc, mưa đá, 6 đợt mưa lũ lớn; 128 trận động đất,...Có thể nói thiên tai năm 2021 diễn ra không cực đoan, dị thường như năm 2020, tuy nhiên vẫn xảy ra dồn dập, cực đoan đặc biệt từ giữa tháng 9 đến tháng 12, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 4 cơn bão số 5, 6, 7, 8 và 6 đợt mưa lũ lớn, trên diện rộng. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp trên phạm vi cả nước đã tác động không nhỏ đến công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là việc sơ tán dân. Thiên tai trong 11 tháng đầu năm 2021 đã làm 93 người chết và mất tích; hơn 8.913 nhà bị hư hại, tốc mái; 131.286 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 47km bờ biển, sông bị sạt lở; 99 cây cầu, 147 cống bị hư hỏng, cuốn trôi… Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh khác bị hư hỏng, sạt lở. Ước tổng thiệt hại về kinh tế trên 3.400 tỷ đồng.
Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp, các ngành đã vận dụng sáng tạo, triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai phù hợp với điều kiện tự nhiên và khả năng ứng phó đối với từng vùng, trong đó tập trung các giải pháp: nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo kịp thời tình hình thiên tai đến khu vực bị ảnh hưởng, đến các tổ chức, người dân để chủ động ứng phó; rà soát, diễn tập phương án ứng phó thiên tai, nhất là các loại thiên tai thường xuyên xuất hiện như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển,…
Đồng thời, chú trọng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”, đề cao vai trò của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; kiểm tra an toàn công trình phòng, chống thiên tai, điều tiết hiệu quả hơn các hồ chứa để hạn chế ngập lụt vùng hạ du; di dời dân ra khỏi vùng thường xuyên bị ngập lụt sâu, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhà ở không an toàn trước thiên tai, khu vực hạ du các hồ chứa, đồng thời phải đảm bảo phòng dịch tại nơi sơ tán; cảnh báo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong thiên tai, nhất là an toàn tàu thuyền, các phương tiện giao thông thuỷ, bộ,… Bên cạnh đó, là việc tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến trong chỉ đạo ứng phó thiên tai để thích ứng với tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Từ thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai và tổng kết đánh giá từ địa phương, thời gian qua đã có một số mô hình điển hình về phòng chống thiên tai đã và đang phát huy hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến mô hình phòng, chống thiên tai tại cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ” như: Tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là khu vực “rốn lũ” điển hình của miền Trung với khoảng 200 hộ dân hàng năm đều bị ngập sâu. Khoảng 50% các hộ dân đều có nhà vượt lũ với tầng trên có thể đảm bảo vượt mức lũ lịch sử cao nhất; mỗi hộ có 1-2 chiếc thuyền để đi lại trong lũ. Các hộ dân đều dự trữ lương thực, thuốc men, chất đốt, nước sạch; vật nuôi được di chuyển lên núi khi có cảnh báo ngập lụt; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ cho phù hợp với tình hình thiên tai. Xã đã có hệ thống loa truyền thông không dây, máy phát điện phục vụ người dân sạc đèn pin, điện thoại… đảm bảo liên lạc, thông tin kịp thời. Hệ thống loa phát thanh, còi hú báo động hoạt động tối đa, giúp người dân nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó.
Bên cạnh đó, tại xã Tân Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình là khu vực “rốn lũ” với 150 hộ dân. Khi có cảnh báo về mưa lũ, người dân chủ động chuẩn bị ứng phó từ sớm, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; các hộ dân đều xây dựng nhà phao để chống lũ.
Do vậy, trong các đợt mưa lũ vừa qua, hai địa phương nêu trên đều không bị thiệt hại về người mặc dù ngập sâu trong thời gian kéo dài.
Ngoài ra, còn có mô hình nhà an toàn chống lũ, bão với tổng số trên 34.000 nhà đã được xây dựng, trong đó: hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 48 của Chính phủ trên 19.000 nhà; hỗ trợ xây dựng từ Hội Chữ thập đỏ 10.000 nhà,…
PV: Được biết, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có đề cập đến các giải pháp phòng, chống, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Xin ông cho biết các giải pháp quan trọng trong Chiến lược nhằm thích ứng với thực trạng trên và Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp này trong thời gian tới ra sao?
Ông Tăng Quốc Chính: Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề cập các giải pháp quan trọng để phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Trong đó, đặc biệt là hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển hạn chế nguy cơ sạt lở, đồng thời từng bước di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; nghiên cứu xây dựng phương án chỉnh trị sông, bờ biển đảm bảo phát triển bền vững vùng ven sông, ven biển,…
Đối với Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong thời gian tới sẽ tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp nêu trên. Trong đó, tập trung vào việc tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch thực hiện Chiến lược, bao gồm cả phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 để các cấp chính quyền ở địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân biết, tự giác chấp hành.
Bên cạnh đó, phối hợp với Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi và các cơ quan liên quan đề xuất xây dựng phương án chỉnh trị và phòng chống sạt lở bờ sông vùng đồng bằng sông Cửu Long (dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2022); hướng dẫn, đôn đốc các địa phương lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai nói chung và phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển nói riêng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương làm cơ sở thực hiện; triển khai việc quản lý, di dời dân cư khỏi khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển. Đồng thời cập nhật, tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ về kinh phí cho các địa phương xây dựng công trình và xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của địa phương trong việc chủ động ứng phó sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển?
Ông Tăng Quốc Chính: Thực tế cho thấy những địa phương nào có sự quan tâm, chú trọng tới việc triển khai thực hiện Chiến lược, trong đó có công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần đảm bảo an toàn dân sinh và kinh tế.
Trong đó đặc biệt là sự chủ động của địa phương trong việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu về sạt lở; triển khai thực hiện việc cắm biển cảnh báo sạt lở; bố trí lực lượng canh gác, điều phối các hoạt động giao thông thủy, bộ. Tổ chức di dời dân cư ra khỏi khu vực sạt lở; xử lý sạt lở giai đoạn đầu, đồng thời, tổ chức xây dựng phương án xử lý và chủ động bố trí kinh phí của địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!./.