Đó là các ý kiến quan trọng được các đại biểu đưa ra nhằm đóng góp cho Chiến lược phát triển Chăn nuôi trong giai đoạn 2020-2030.
Máy tách, ép chất thải chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Hữu Tân, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên để xử lý chất thải chăn nuôi và sản xuất phân bón hữu cơ (Ảnh: Thu Trang)
Chiều 3/10, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức buổi thảo luận đánh giá kết quả của ngành chăn nuôi đến năm 2020, đồng thời đưa ra các ý kiến góp ý cho Chiến lược phát triển chăn nuôi trong giai đoạn 2020-2030.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, tính từ thời điểm 2008 đến nay, ngành chăn nuôi đã đạt những thành tích quan trọng. Đặc biệt đạt cơ bản đạt một số mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Chăn nuôi đến năm 2020 (tại Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Sản xuất chăn nuôi đã cơ bản đáp ứng được thực phẩm tiêu dùng trong nước; một số sản phẩm như thịt lợn, gà, trứng gà nếu tăng quy mô sẽ thừa.
Tiêu biểu, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, Việt Nam hiện nay đã trở thành nước sản xuất lớn trong ASEAN. Đồng thời, về chăn nuôi bò sữa, sản lượng sữa đã đạt 5.300 kg/chu kỳ, cao nhất trong các nước ASEAN. Một số trang trại lớn đã đạt tới con số 7.000-9.000 kg/chu kỳ, ngang hàng với các nước lớn như: Isael, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các sản phẩm sữa Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, Quyền Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương cũng chỉ ra những điểm yếu trong chăn nuôi thời gian qua. Đặc biệt trong công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Vừa qua, dịch tả lợn Châu Phi diễn ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của đàn lợn nuôi.
Xử lý chất thải chăn nuôi vẫn đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, đây là vấn đề chưa được quan tâm nghiêm túc, trong khi đó, đây là vấn đề chính gây nên ô nhiễm môi trường nông thôn.
Đóng góp ý kiến cho vấn đề này, các đại biểu cho rằng, cần xem chất thải chăn nuôi là nguồn tài nguyên đóng góp cho tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp. Nếu xử tốt vấn đề về chất thải chăn nuôi, mỗi năm có thể mang lại từ 15-20 nghìn tỷ đồng, đặc biệt khi sử dụng chất thải chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ và tạo nguồn năng lượng sinh học.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu cho chiến lược trong giai đoạn tới, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, cần xác định sản phẩm hàng hóa chăn nuôi chủ lực của ngành nông nghiệp, cùng với đó đưa vào chiến lược vấn đề về an ninh thực phẩm – yếu tố rất quan trọng để kiểm soát sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, chiến lược thời gian tới cần nghiên cứu đến vấn đề xã hội hóa các khâu quan trọng trong chăn nuôi; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Trong đó, chính sách thuế và đất là các yếu tố quan trọng để thu hút các thành phần kinh tế.
Dự thảo định hướng phát triển Chăn nuôi đến năm 2030 cho thấy, đến năm 2025, phần lớn các sản phẩm chăn nuôi hàng hóa nước ta được sản xuất theo mô hình trang trại và trong các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp với chất lượng tốt, độ an toàn cao và giá thành thấp nhất so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 mà ngành chăn nuôi đóng góp cho nông nghiệp đạt trung bình 3-4%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt trung bình 3-3,5%/năm,…/.
BT