Đưa mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) thành một trong những mạng quan trọng, chủ lực để triển khai ứng dụng trong cơ quan Đảng, Nhà nước 

Trong những năm vừa qua, Cục Bưu điện Trung ương đã triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) hoạt động thông suốt, ổn định, không có sự cố, phục vụ hoạt động truyền dữ liệu và triển khai ứng dụng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Các dịch vụ trên mạng TSLCD hoạt động hiệu quả, trong đó đặc biệt có dịch vụ truyền hình hội nghị là dịch vụ phục vụ thường xuyên cho Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ban, ngành Trung ương với quy mô toàn quốc.

Đặc biệt, năm 2015, Cục Bưu điện Trung ương đã phối hợp với các đơn vị liên quan chuyển đổi thành công giai đoạn 2 mạng diện rộng của Đảng sang mạng TSLCD, triển khai các nội dung, kiện toàn năng lực phục vụ theo yêu cầu của Văn phòng Trung ương. Việc chuyển đổi mang ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng, khẳng định hiệu quả, vai trò mạng TSLCD, là hạ tầng triển khai các ứng dụng phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng từ trung ương đến địa phương.  Sau đó mạng TSLCD tiếp tục được đảm bảo tính an toàn, dự phòng cao với 3 hệ thống MCU có thể phục vụ đồng thời. Đã phục vụ 141 phiên truyền hình hội nghị diện rộng, đảm bảo chất lượng cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ban ngành.

Trong giai đoạn từ sau thời điểm ngày 1/7/2015, với vị trí của một đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử và Quyết định 1988/QĐ-BTTTT của Bộ TT&TT phê duyệt danh mục nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 36a, Cục Bưu điện Trung ương đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng và trình Bộ phương án nâng cấp mạng TSLCD, phương án kết nối Internet, phương án kết nối mạng đến cấp xã, phường, thị trấn đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, đảm bảo cấu trúc đồng bộ, quy hoạch tài nguyên mạng, an toàn bảo mật cao.

Tuy nhiên,  một trong những tồn tại, hạn chế của hệ thống mạng TSLCD là hiện nay hệ thống nguồn điện, accu tại các POP tỉnh, thành được đầu tư từ năm 2006 đến nay chất lượng đã bị suy giảm, do đó một số đơn vị đã phải chuyển sang dùng hệ thống nguồn của VNPT tỉnh, thành để đảm bảo nguồn dự phòng cho mạng. Ngoài ra, một hạn chế nữa là dự án “An ninh bảo mật, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đường truyền cho mạng TSLCD của các cơ quan Đảng, Nhà nước” đến nay vẫn chưa được triển khai.

Để tạo tiền đề cho việc đảm bảo hoạt động của mạng TSLCD trong giai đoạn tới, Cục Bưu điện Trung ương đã kiến nghị Bộ TT&TT sớm phê duyệt phương án nâng cấp I, cấp II mạng TSLCD và mở rộng mạng đến cấp xã phường theo phương án đề xuất của Tập đoàn VNPT; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ xem xét cập nhật, điều chỉnh một số văn bản hướng dẫn đã ban hành trước đây liên quan đến mạng TSLCD phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Bên cạnh đó, Cục Bưu điện Trung ương cũng kiến nghị Bộ TT&TT có đề xuất với Chính phủ về định hướng sử dụng mạng TSLCD là hạ tầng để triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a từ Trung ương đến địa phương; đồng thời chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Tập đoàn VNPT để kết nối mạng TSLCD cấp II tại tỉnh.

Từ góc độ đảm bảo an toàn thông tin, nếu chúng ta sử dụng một hạ tầng đơn nhất cho các loại hình ứng dụng và dịch vụ thì sẽ giúp công tác đảm bảo an toàn thông tin hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Còn nếu sử dụng hạ tầng đa dạng, nhiều cửa ngõ ra vào Internet thì nguồn lực cho đảm bảo an toàn thông tin sẽ phải tăng lên một cách tương ứng và nguy cơ rủi ro, mất an toàn cũng tăng lên.

Mạng TSLCD theo đúng tên gọi tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là mạng TSLCD phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước; tuy nhiên mạng TSLCD lại không phải là mạng được quy định là duy nhất hay là chính để đáp ứng yêu cầu truyền dữ liệu của các cơ quan Đảng, nhà nước khi ứng dụng CNTT và triển khai Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, mạng TSLCD phải chịu sự cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ truyền số liệu với các doanh nghiệp viễn thông, trong khi mạng này lại chịu sự quản lý về giá cước tương đối cứng nhắc.

Những tồn tại, hạn chế khiến cho mạng TSLCD chưa thể trở thành mạng chính, duy nhất phục vụ cho ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng, nhà nước và phát triển Chính phủ điện tử, đó là: mạng mới chỉ kết nối đến cấp huyện, chưa kết nối đến cấp xã; do sự phối hợp giữa Bưu điện Trung ương và các viễn thông địa phương trong một thời gian khá trục trặc nên khả năng xử lý sự cố và chất lượng dịch vụ của mạng TSLCD có phần hạn chế; Thông tư 06 của Bộ TT&TT quy định giá cước sử dụng mạng TSLCD được ban hành từ năm 2010, đến nay có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế.

Để mạng TSLCD có thể trở thành mạng chính phục vụ các cơ quan Đảng, cho phát triển Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a, bên cạnh việc tìm hiểu ý kiến phản ánh của khách hàng về vấn đề giá cước để có đề xuất Bộ TT&TT sửa đổi Thông tư 06 cho phù hợp với tình hình thực tế, Cục Bưu điện Trung ương cũng nên thực hiện khảo sát ý kiến đánh giá của những khách hàng đang sử dụng mạng TSLCD về chất lượng đường truyền, chất lượng dịch vụ đang có gì bức xúc; đồng thời khảo sát nhu cầu của các cơ quan Đảng,  nhà nước chưa sử dụng; từ đó có hướng khắc phục, nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ của mạng TSLCD, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương.

Cục Viễn thông và Cục Tin học cần thống nhất để đề xuất những nội dung công việc sẽ triển khai trong thời gian tới đối với mạng TSLCD;  xem xét cơ chế  để đẩy mạnh được chất lượng,  giá cả hợp lý cho việc sử dụng của các Bộ, ngành, địa phương đối với mạng TSLCD. Cụ thể, cần xem xét chiến lược, định hướng phát triển sắp tới của mạng TSLCD; cần quy hoạch lại mạng, cần phải đầu tư, trang bị thêm để mạng TSLCD thực sự tốt, có thể đáp ứng được các yêu cầu của Trung ương, Chính phủ cho việc ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử.  Xuân Quân (TH)

 

4077 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1044
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1045
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76424069