Ảnh minh họa. Nguồn: VA
 

Bổ sung một số quy định thể chế các chính sách của Đảng và phù hợp với các quy định hiện hành và giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường cho phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Cụ thể, bổ sung Điều 14a. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục để phù hợp với Luật Quy hoạch đang được trình Quốc hội thông qua và thực tiễn phát triển giáo dục thời gian qua. Theo đó, giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ quy vào đó xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục do địa phương quản lý, trình HĐND cùng cấp phê duyệt, đồng thời bảo đảm phù hợp với Luật Giáo dục ĐH, Luật giáo dục nghề nghiệp, nhằm xây dựng phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (GDTX).

Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 48 về Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp quy định của Bộ Luật Dân sự trong việc xác định sở hữu của các cơ sở giáo dục giáo dục và để thực hiện quy định cơ chế tự chủ đối với các cơ sở sự nghiệp công lập, đồng thời bổ sung loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài để bảo đảm thống nhất với Luật Giáo dục ĐH.

Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 71 về giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học để phù hợp với thực tiễn, làm rõ trách nhiệm của giáo sư, phó giáo sư trong việc nghiên cứu khoa học.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 77 về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học; sửa đổi, bổ sung Điều 81 về tiền lương của nhà giáo, nhằm thể chế hóa khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 trong việc xác định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Việc đánh giá tác động đối với chính sách này đã được thực hiện khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Sửa đổi, bổ sung đối tượng học sinh THCS trường công lập không phải nộp học phí tại khoản 1, Điều 105.

Để phù hợp với một số Luật mới được ban hành, sửa đổi một số điều sau: sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 105 về học phí để phù hợp với Luật giá; sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 113 về thanh tra giáo dục để phù hợp với Luật Thanh tra.

Dự thảo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT nêu một số vấn đề còn ý kiến khác nhau xin ý kiến Chính phủ, cụ thể:

Về chính sách đối với nhà giáo: Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục (“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”).

Vấn đề nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học: Vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng xem là một nội dung cần đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW (“…tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở…phải có trình độ từ đại học trở lên...”). Theo đó, căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.

Vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học học phí: Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh THCS trường công lập./.

Mỹ Anh