Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) 

(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

 

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật nêu rõ, hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; d) Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ quy định trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục

Theo dự thảo nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, có hệ thống, mở và liên thông; coi trọng giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của người học.

Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên.

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi.

Nội dung giáo dục mầm non đảm bảo phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em; hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc, và giáo dục trẻ; toàn diện về thể chất, tình cảm kỹ năng xã hội, trí tuệ, thẩm mỹ; tôn trọng sự khác biệt; liên thông giữa các độ tuổi và với giáo dục tiểu học.

Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông.

Nội dung giáo dục phổ thông phải bảo đảm tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học.

Giáo dục nghề nghiệp là giáo dục các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hình thức đào tạo chính quy và thường xuyên.

Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

Giáo dục đại học là giáo dục các trình độ sau trung học phổ thông và tương đương để được cấp bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây. 

LP

388 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 934
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 934
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87221113