Du lịch Việt Nam tìm đường băng để “cất cánh” 

(Chinhphu.vn) – Liên tục tăng trưởng và thu hút 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ hơn 60 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2016 nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn còn phải vượt không ít khó khăn để “cất cánh” và khẳng định vị thế trong khu vực.
Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”. Ảnh: VGP/Phương Liên

Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch Việt Nam, tìm hướng đi cho du lịch Việt Nam "cất cánh", sáng 29/8, Báo Lao Động phối hợp cùng Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”.

Chuyển từ thị trường hóa sang chuyên nghiệp hóa

Để đạt được mục tiêu đón 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2017, ngành du lịch đã và sẽ phải giải nhiều bài toán như các sản phẩm du lịch sẽ được khai thác ra sao, theo nguyên tắc nào, tiêu chí cũng như cách thức “chuẩn” đến đâu mới có thể phát huy tiềm năng vốn có một cách hiệu quả, hữu ích và bền vững.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc. Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, của Chính phủ, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch và thu hút khách du lịch.

TS. Trần Đình Thiên cho rằng Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đặt du lịch trở lại thành ngành mũi trọng sau hơn 25 năm và hiện nay du lịch phải gắn với tính chuyên nghiệp. Ông Thiên cho biết, nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ khi thảo luận về kế hoạch 5 năm tới đã đưa ra ý kiến về câu chuyện thị trường hoá nhưng không chuyên nghiệp hoá và nay phải chuyển hướng từ thị trường hoá sang trọng tâm chuyên nghiệp hoá, đặc biệt là chuyên nghiệp hoạt động kinh doanh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính chất liên ngành, liên vùng nên cần sự chung tay vào cuộc của các cấp ngành. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, chưa bao giờ du lịch nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cũng như sự kỳ vọng của xã hội như trong thời gian vừa qua. Năm 2016, ngành du lịch đã thu hút được 10 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt hơn 400 nghìn tỉ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,4 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2016 - tổng thu từ khách du lịch ước đạt 335.840 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa ước đạt 52,8 triệu lượt.

Tại hội thảo, hơn 100 nhà quản lý, nghiên cứu, chuyên gia, đại diện Tổng cục Du lịch, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố… đã cùng thảo luận, bàn về các giải pháp xử lý các điểm nghẽn, vấn đề mấu chốt để khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh để du lịch đột phá.

Để góp phần khắc phục các hạn chế, yếu kém của du lịch Việt Nam, các đại biểu đã tập trung vào 2 giải pháp chính: Chuyên nghiệp hoá công tác quản lý, kinh doanh du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, khai thác được tài nguyên du lịch vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Các diễn giả và doanh nghiệp du lịch đã cung cấp nhiều thông tin, phân tích, đánh giá về thực trạng cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp về: Tầm nhìn chiến lược, chính sách phát triển du lịch phù hợp xu thế phát triển, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đủ năng lực, cải tiến công tác xúc tiến quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tham gia chuỗi giá trị…

Tại hội thảo, ông Jung Chang Wook, Trưởng đại diện Tổng cục du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cũng chia sẻ với những người đồng nghiệp Việt Nam kinh nghiệm về công tác xây dựng nội dung, giới thiệu và bán sản phẩm du lịch ở những lễ hội du lịch văn hóa, thể thao, nghệ thuật biểu diễn…

Chất lượng sản phẩm du lịch của Việt Nam đang ở đâu?

Các yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch thực tế thể hiện rất rõ bản chất của du lịch - là ngành kinh tế dịch vụ có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Điều này đòi hỏi công tác chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng phải mang tính toàn diện và đồng bộ trong từng yếu tố và điều kiện cấu thành.

Theo TS. Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Du lịch, chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết đảm bảo tính cạnh tranh. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, các nước đều thực hiện chất lượng sản phẩm du lịch một cách bài bản.

Để hình thành sản phẩm du lịch thì điều kiện tiên quyết là phải có yếu tố thu hút khách du lịch, đó thường là tài nguyên du lịch, tự nhiên hoặc văn hóa. Đây là yếu tố then chốt của sản phẩm du lịch. Tiếp đó, yêu cầu thiết yếu để phát triển sản phẩm du lịch là các điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận tài nguyên du lịch để tổ chức được sản phẩm du lịch.

Nội dung quan trọng nữa của sản phẩm du lịch sau khi có tài nguyên hấp dẫn, khả năng tiếp cận là sự hiện hữu, đầu tư hình thành của các loại hình cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi cũng như kèm theo đó là hệ thống các dịch vụ cần thiết giúp khách du lịch có thể trải nghiệm, khám phá, thưởng ngoạn được các giá trị tài nguyên du lịch. Trong đó có chuỗi các dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu của khách về lưu trú, ăn uống, giải trí và các dịch vụ liên quan như y tế, bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, mua sắm hàng hóa...

Cuối cùng, các yếu tố mang tính điều kiện và tham gia đóng góp vào giá trị và chất lượng tiêu dùng của sản phẩm du lịch đó là các điều kiện khí hậu, môi trường, không gian cảnh quan chung, người dân địa phương, các tiện ích công cộng…

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh cho rằng trong năm 2017, Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 67 trên toàn cầu về vị thế du lịch. Có điều này là nhờ sự nổi trội của tài nguyên văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Một trong những vẫn đề bất cập là sản phẩm du lịch chưa đặc trưng hay tạo được nhiều đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường khách hàng tiềm năng.

Ông Kiên cho rằng, việc tập trung xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, phát triển quy mô sản phẩm du lịch đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam cần dựa trên cơ sở một số nguyên tắc phát triển như: Phù hợp nhu cầu du khách, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, tính tiện ích của sản phẩm, thỏa mãn kỳ vọng và gây bất ngờ cho khách hàng.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho rằng chúng ta nên gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi và chi tiêu nhiều hơn. Nhưng rất cần nhiều biện pháp để cải thiện hình ảnh và giảm nhanh con số hơn 80% du khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam như hiện nay.

Để phát triển du lịch không chỉ cần quyết tâm và nỗ lực của một mình ngành du lịch mà còn rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Tất cả đều cùng tham gia trong quá trình chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, thân thiện, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại.

Phương Liên

583 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1142
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1142
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87186351