|
Ảnh: VGP/Phương Liên |
Chiều 4/7, Tổng cục Du lịch tổ chức họp báo về tình hình của ngành du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017.
Theo ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch, trong 6 tháng qua, ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế ở mức cao so với cùng kỳ năm 2016. Lượng khách đến từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn đạt con số cao nhất. Các thị trường được miễn visa duy trì đà tăng trưởng khá. Khách du lịch nội địa tăng cao trong dịp 30/4-1/5 và dịp đầu hè 2017.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6,206 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, khách đến bằng phương tiện đường không đạt hơn 5,2 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016.
Ước tính khách du lịch nội địa đạt 40,7 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 19,2 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 254.700 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, trong 6 tháng đầu năm đã diễn ra một số sự kiện và dấu ấn quan trọng của ngành du lịch.
Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử 57 năm phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Ngày 19/6 vừa qua, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, kế thừa những nội dung cơ bản của Luật Du lịch 2005, đồng thời có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để du lịch Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới.
Tại các địa phương, theo báo cáo của các sở VHTT&DL, lượng khách và doanh thu trong 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Các sở VHTT&DL thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm môi trường du lịch, ngăn chặn và xử lý tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch tại các điểm tham quan du lịch; chú ý tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn cho du khách…
Đặc biệt, trong 6 tháng qua, các tỉnh miền Trung đã có số lượng khách du lịch tăng trưởng vượt bậc, vượt qua cả số lượng và doanh thu của những năm trước đây. Như vậy, du lịch biển và du lịch nội địa đều tăng cao. Du lịch của các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế đã thực sự hồi phục và có sự khởi sắc.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những hạn chế bất cập đã bộc lộ từ lâu vẫn chưa được khắc phục một cách cơ bản. Nguồn nhân lực vẫn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là tại những điểm đến đang phát triển với tốc độ nhanh. Hiện tượng giá dịch vụ, thực phẩm, đồ uống tại một số điểm du lịch tăng cao, ngộ độc thực phẩm… là những vấn đề cần tiếp tục được khắc phục, chấn chỉnh…
Với sự việc Sơn Trà, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đã tiếp nhận nhiều ý kiến, góp ý của các tổ chức, cơ quan, cá nhân, Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VHTT&DL. Thời gian tới, Tổng cục sẽ làm việc với Đà Nẵng để tìm cách xử lý sự việc với tinh thần ưu tiên cao nhất cho việc bảo tồn sinh thái, tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học. Tổng cục sẽ có báo cáo đề xuất với Bộ VHTT&DL để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ sớm nhất, trước ngày 30/8.
Theo ông Tuấn, Đà Nẵng sẽ phải xử lý hiện trạng và những vấn đề quá khứ đã để lại. Phát triển du lịch phải phát triển bền vững để mang lại những lợi ích lâu dài cho cộng đồng và cho xã hội.
Phương Liên