Du lịch đặt mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế năm 2019 

(Chinhphu.vn) - Đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách năm 2019, trong đó có 18 triệu khách quốc tế, phục vụ 85 triệu khách nội địa, ngành du lịch quyết tâm về đích trước 1 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Lễ đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam trong năm 2018. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Năm 2018 được coi là một năm thành công của du lịch Việt Nam với những kết quả nổi bật, hoàn thành xuất sắc các kế hoạch được giao và vị thế của ngành du lịch không ngừng tăng lên. Nhiều sự án du lịch, khu du lịch có quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế đi vào hoạt động. Công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng như hoạt động kinh doanh du lịch đã có bước chuyển biến rõ rệt theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, tiếp cận với tiêu chuẩn và chuẩn mực thực hành quốc tế.
 
Ngành du lịch đã nỗ lực thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, phát huy nội lực, chủ động, đổi mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để phát triển bền vững, được thể hiện qua các chỉ tiêu đạt được về khách quốc tế, khách du lịch nội địa và tổng thu về khách du lịch năm 2018.
 
Năm 2018, ngành du lịch đã đón khoảng 15,6 triệu khách quốc tế đến, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. 
 
Các địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước có tốc độ tăng trưởng mạnh như: TPHCM đón 36,5 triệu lượt khách, trong đó đạt 7,5 triệu lượt khách quốc tế; Hà Nội đón khoảng 28 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 5,5 triệu khách quốc tế, Quảng Ninh đón 12,5 triệu lượt khách, trong đó 5,3 triệu lượt khách quốc tế; Đà Nẵng đón 7,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt gần 3 triệu... Nhiều địa phương khác cũng đón lượng khách khá lớn, từ 6 triệu lượt khách trở lên: Khánh Hoà, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Thanh Hoá...
 
Cả nước hiện có 1.985 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 380 doanh nghiệp được cấp phép mới. Có 23.650 hướng dẫn viên, trong đó 14.932 hướng dẫn viên quốc tế, 8.456 hướng dẫn viên nội địa, 262 hướng dẫn viên tại điểm.
 
Chỉ tính riêng năm 2018, có 113 cơ sở lưu trú trong phân khách từ 3-5 sao được công nhận, trong đó 26 cơ sở lưu trú hạng 5 sao, 35 cơ sở lưu trú hạng 4 sao. Hiện nay, cả nước có 28.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 buồng phòng, tăng hơn 2.400 có sở lưu trú so với năm 2017. Trong số này, có 145 khách sạn 5 sao với 47.111 buồng, 267 khách sạn 4 sao với 35.467 buồng phòng.
 
Số lượng buồng phòng khách sạn 4-5 sao tăng nhanh thể hiện một phần việc khách quốc tế cao cấp, phân khúc thị trường có mức chi trả cao tăng. Đồng thời thể hiện khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng tăng nhanh.
 
Ngành du lịch cũng tham mưu, đề xuất các chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính như: SunGroup, VinGroup, Mường Thanh, FLC, Thiên Minh... vào các dự án xây dựng cơ sở lưu trú có quy mô lớn, đẳng cấp và hiện đại.
 
Khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Trong suốt năm 2018, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, phát động thị trường cũng được đẩy mạnh ở nhiều thị trường nguồn, thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Âu, ASEAN, New Zealand-Úc, Canada-Mỹ.... Ở trong nước, tổ chức thành công 2 hội chợ du lịch quốc tế VITM (Hà Nội) và ITE (TPHCM) với nhiều điểm mới so với những năm trước. Tham gia 7 hội chợ du lịch quốc tế lớn (CITM, Travex, ITB, MITT,WTM, Top Resa...)
 
Để thực hiện mục tiêu lập được kỳ tích trong việc đón khách quốc tế, đẩy mạnh lượng khách du lịch nội địa, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị Tổng cục Du lịch thực hiện báo cáo, nhấn mạnh vào việc phân tích các con số, bóc tách khách du lịch quốc tế và khách nội địa, để thấy mức tăng chúng ta có được là do đâu? Chúng ta đang mạnh ở điểm nào, yếu ở điểm nào để có giải pháp khắc phục? Thị trường nào là những thị trường trọng điểm, hàng đầu, cần giữ mức tăng; thị trường nào cần tập trung quảng bá, xúc tiến, khai thác? Những địa phương nào là địa phương dẫn đầu? Đóng góp của các địa phương, doanh nghiệp vào sự phát triển chung của ngành như thế nào?...
 
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu Tổng cục Du lịch tập trung khắc phục tồn tại, siết chặt quản lý điểm đến kiểm soát chất lượng dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động tour giá rẻ; nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến; chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có chất lượng, chuyên nghiệp, nâng cao hiểu biết về nghề và tình yêu nước cho các hướng dẫn viên... để du lịch Việt Nam ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Nhật Nam
762 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 33
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 33
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87208702