|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. |
Trao đổi với báo chí ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đang lên phương án tăng giá điện với mức tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành. Theo đó, giá điện dự kiến tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng một kWh.
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, phương án tăng giá điện trong khung 5-10% thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương. Trên cơ sở chấp thuận của cấp có thẩm quyền, dự kiến trong tuần này, hoặc tuần sau Bộ Công Thương sẽ ban hành quyết định về việc điều chỉnh giá.
Về nguyên nhân tăng giá, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng lý giải, nhu cầu sử dụng điện bình quân của Việt Nam tăng khoảng 10%/năm. Trong bối cảnh, tốc độ triển khai một số dự án điện BOT còn chậm, chúng ta buộc phải huy động những nguồn điện giá cao (điện dầu, khí, than) nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của các hộ sử dụng.
Ông Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán để đảm bảo việc tăng giá điện phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng GDP.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, cơ quan quản lý nhà nước đã tính toán, tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng,... Tuy nhiên, dù tăng từ mức 7,4 cent/kWh hiện nay tăng lên gần 8 cent/kWh, giá điện của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Thông tin cụ thể về việc điều chỉnh giá điện trên KTĐT, đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết: Việc điều hành giá điện năm 2019 được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng các phương án giá điện cho năm 2019 dựa trên các yếu tố đầu vào cụ thể sau:
Một là, cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019: Trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến khoảng 6,8%, Bộ Công Thương đã dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỷ kWh và ban hành Quyết định số 4677/QĐ-BCT ngày 18/12/2018 về Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019, dự kiến cơ cấu các loại hình nhà máy thủ điẹn, nhiệt điện than, tuabin khí, nhiệt dầu, các nhà máy điện mặt trời, gió, sinh khối. Trong phương án tính giá điện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN cập nhật tình hình thủy văn, mực nước các hồ thủy điện, tiến độ các nhà máy điện theo thực tế đến hết tháng 1/2019.
Hai là, tính toán các chi phí đầu vào của giá điện 2019. Cụ thể trong phương án giá điện năm 2019 đã đưa vào tính toán các chi phí đầu vào có tác động đến giá điện.
Trong đó, giá than nội địa; giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước của một số nhà máy điện; dự báo về giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng thế giới, giá than thế giới năm 2019 giảm khoảng 7,41% so với năm 2018.
Dự báo về giá khí cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng thế giới và điều chỉnh giá khí một số nhà máy điện để 100% các nhà máy tuabin khí sẽ thực hiện mua khí theo giá thị trường;
Thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu tăng thêm kể từ ngày 01/01/2019 theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, dự báo về tỷ giá năm 2019 giữa VND với các ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật… trên cơ sở số liệu thực tế của năm 2018 và dự báo tỷ giá năm 2019.
Ba là, trong phương án giá điện năm 2019 cũng đưa vào tính toán các phân bổ một phần các khoản chi phí chênh lệch tỷ giá còn treo chưa được đưa vào giá điện. Mức độ phân bổ sẽ được xem xét tuy nhiên, việc phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện đến đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cũng đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.
Riêng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/ tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng
Trả lời về mức tăng 8,36% vào thời điểm này có ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế, DN. Liệu có đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% như Quốc hội giao không? Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động đến các mặt hàng có liên quan có đầu vào là điện và như vậy sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI và tốc độ tăng trưởng (GDP). Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục thống kê để tính toán mức độ ảnh hưởng của giá điện đến CPI và GDP. Trên cơ sở kết quả tính toán này, Bộ Công Thương báo cáo cấp có thẩm quyền, Ban Chỉ đạo điều hành giá để xem xét, phân tích liều lượng điều chỉnh giá điện ở mức phù hợp. Mức giá điện được điều chỉnh cũng sẽ phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2019 của Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu CPI và GDPđã được Quốc hội thông qua./.