Dự kiến giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi 

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

 

Giảm thuế nhập khẩu lúa mỳ và ngô để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước, hỗ trợ ngành chăn nuôi. Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, dịch COVID-19 tiếp tục diễn ra đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội thế giới và trong nước, làm đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Trong nước, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động; hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ. Một số ngành như chăn nuôi, xây dựng đang chịu nhiều tác động tiêu cực do giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và sức cạnh tranh.

 

Ngày 29/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, trong đó đã giao: “Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN ở mức độ phù hợp đối với một số mặt hàng nhập khẩu có thuế nhập khẩu MFN chênh lệch lớn so với mức thuế theo các FTA, đặc biệt là những mặt hàng trong nước không có hoặc ít có nhu cầu bảo hộ để tạo môi trường cạnh tranh; điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên vật liệu, góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nước”.

 

Do vậy, để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, đồng thời, để bảo vệ, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên trong nước, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP cho phù hợp với yêu cầu và bối cảnh hiện nay.

 

Điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao gồm lúa mỳ và ngô

 

Theo Bộ Tài chính, từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu chính như ngô, lúa mì liên tục tăng cao với mức tăng trung bình từ 30-35%. Việc tăng giá nguyên liệu chủ yếu do dịch COVID-19 tác động tới logistics toàn cầu kéo theo việc tăng giá mạnh cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa. Bên cạnh đó, do sản xuất đang hồi phục ở nhiều quốc gia nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản gần đây đã tăng kỷ lục. Trong khi đó, tình trạng hạn hán ở một số quốc gia cũng đang có những ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất các mặt hàng này, dẫn đến giá tăng.

 

Giá nguyên liệu tăng kéo theo giá thức ăn chăn nuôi trong quý I/2021 tăng đáng kể so với quý IV/2020 và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, khoảng 45-50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và khoảng 70-75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước về sản phẩm gia cầm trong quý IV.

 

Tại công văn số 09/VIPA ngày 7/6/2021, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Ủy ban ngũ cốc Hoa Kỳ cũng có văn bản kiến nghị giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng ngô và lúa mỳ xuống 0%. Tại cuộc họp ngày 23/6/2020 với Bộ Tài chính, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đã có đề nghị giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng này để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước.

 

Để góp phần giảm giá thành đầu vào sản xuất trong nước không chỉ đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi mà còn các ngành sản xuất khác như bánh kẹo, thực phẩm, đồng thời, góp phần bình ổn giá trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay và để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP và 63/NQ-CP, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ và ngô như sau: 

 

Đối với mặt hàng lúa mỳ: Giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ, mã HS 1001.99.99 từ 3% xuống 0%.

 

Đối với mặt hàng ngô: Giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô, mã HS 1005.90.90 từ 5% xuống 3%.

 

Đối với sản xuất trong nước, việc giảm thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng ngô nhìn chung sẽ không tác động lớn đến ngành nông nghiệp trong nước do trong nước chưa trồng được lúa mì và mặt hàng ngô trồng trong nước cơ bản cũng chỉ phục vụ cho người. Trong khi đó, bên cạnh góp phần bình ổn giá, giảm giá thành đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, việc giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với ngô còn góp phần giảm giá cho ngành sản xuất khác như bánh kẹo, thực phẩm. Qua đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các ngành này vượt qua khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao hiện nay. Đồng thời, góp phần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác thương mại quan trọng của nước ta.

 

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương

322 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1035
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1035
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87115686