Dự kiến Chương trình công tác năm 2024 của UBTVQH được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu 

(Chinhphu.vn) – Tiếp tục chương phiên họp thứ 28, chiều 14/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến cho rằng dự kiến Chương trình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trách nhiệm.
Dự kiến Chương trình công tác năm 2024 của UBTVQH được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp có 9 ý kiến phát biểu, các ý kiến cơ bản nhất trí với nguyên tắc, cách thức xây dựng dự kiến Chương trình - Ảnh: VGP/ĐH

Chương trình năm 2023 được triển khai nghiêm túc và cơ bản hoàn thành

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện Chương trình công tác của UBTVQH năm 2023, tính đến tháng 12/2023, UBTVQH đã chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường của Quốc hội; tiến hành 16 phiên họp, trong đó có 10 phiên họp thường kỳ, 1 phiên họp chuyên đề pháp luật, 2 phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp thứ 7 và 3 phiên họp khác; xem xét 181 nội dung.

Bên cạnh đó, UBTVQH đã tổ chức 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và nhiều hội nghị quan trọng khác; đã ban hành 1 pháp lệnh, 547 nghị quyết (trong đó có 10 nghị quyết quy phạm pháp luật, 10 nghị quyết về giám sát và 527 nghị quyết về các vấn đề quan trọng, bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội và công tác khác thuộc thẩm quyền); thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, công tác đối ngoại và các công tác khác theo thẩm quyền.

Các nội dung trình UBTVQH đều được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tại phiên họp hoặc được gửi xin ý kiến bằng văn bản, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao khi quyết định, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Cho đến nay, Chương trình công tác của UBTVQH năm 2023 đã được triển khai nghiêm túc và cơ bản hoàn thành. Trong đó, hầu hết các nội dung về công tác lập pháp, giám sát, xem xét, cho ý kiến, quyết định những vấn đề quan trọng được thực hiện đúng tiến độ; tất cả các nội dung đều được UBTVQH xem xét thận trọng, nghiêm túc trên cơ sở đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, không chạy theo số lượng.

Trong năm 2023, không có dự án luật phải rút khỏi Chương trình công tác; các chuyên đề giám sát được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, chủ động, có sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý

Về dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết là tuân thủ đúng thẩm quyền của UBTVQH và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của UBTVQH và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong việc xem xét, quyết định, cho ý kiến của UBTVQH.

Căn cứ quy định tại Điều 89 Quy chế làm việc của UBTVQH, ngày 8/11/2023, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan thuộc UBTVQH đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình công tác của UBTVQH năm 2023, đề xuất nội dung cụ thể và kiến nghị giải pháp thực hiện Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024.

"Trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ của UBTVQH, ý kiến, đề xuất của các cơ quan hữu quan, các luật, nghị quyết và văn bản khác có liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay.

Dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều và Phụ lục. Trong đó, Điều 1 quy định các nội dung trọng tâm trong Chương trình theo 9 nhóm lĩnh vực, bao gồm: Chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội; Công tác lập pháp; Công tác giám sát; Xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng; Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; Công tác dân nguyện; Hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội; Hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân...

Điều 2 về dự kiến các phiên họp của UBTVQH trong năm 2024 (nội dung, thời gian các phiên họp cụ thể). Điều 3 quy định một số biện pháp chủ yếu trong triển khai thực hiện Chương trình.

Dự kiến Chương trình công tác năm 2024 của UBTVQH được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu- Ảnh 2.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét Chương trình công tác năm 2024 - Ảnh: VGP/ĐH

Dự kiến chương trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp có 9 ý kiến phát biểu, trong đó có ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Theo đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với nguyên tắc, cách thức xây dựng dự kiến Chương trình; cho rằng dự kiến chương trình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trách nhiệm. Các nội dung được bố trí trong từng phiên họp đều thuộc thẩm quyền xem xét, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều là các nội dung cụ thể hóa từ các văn bản quan trọng, có tính chất định hướng trong thời gian tới, thực hiện theo các quy định của các luật, nghị quyết có liên quan…

Tuy nhiên, cần lưu ý những vấn đề cơ bản như tính toán, sắp xếp, bố trí nội dung, thời gian hợp lý của từng phiên họp.

Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp tục tổ chức các cuộc họp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đơn vị có liên quan để rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, sau đó gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến.

Nguyễn Hoàng

37 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 545
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 545
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77460780