|
Ở nước ta, trong quý I, tuy chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhưng mức tăng trưởng GDP đạt 3,82% được coi là kết quả hội tụ và tín hiệu tích cực phản ánh những nỗ lực chung trong cải thiện môi trường đầu tư từ năm 2019.
Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực bước đầu từ việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là sau nhiều năm phải đối mặt với tình trạng đầu tư công giải ngân chậm; xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế và phát huy trách nhiệm người đứng đầu để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế... làm phấn chấn thêm niềm tin đầu tư ngay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó với đại dịch và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đây cũng là dịp người dân trải nghiệm và thêm tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng, Chính phủ trong công cuộc nhằm cả hai mục tiêu “Chống dịch tốt để bảo vệ người dân, đồng thời duy trì ổn định kinh tế để sẵn sàng bứt phá khi dịch lắng xuống”. Đây chính là điều tạo niềm tin về sự phục hồi kinh tế của đất nước sau dịch bệnh.
Hiện tại, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội 2020 và Tổng cục Thống kê cho rằng GDP cả năm 2020 tăng trưởng 5% đã là một thành công.
Đánh giá tăng trưởng của Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 đạt 4,8%; lạm phát ở mức 3,3%. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Động lực tăng trưởng của nền kinh tế là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn đang được cải thiện, nhưng cần cải thiện chính sách để hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Rating ngày 8/4 đã giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng sang ổn định.
Cơ sở Fitch điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ tích cực sang ổn định phản ánh đánh giá của tổ chức này về tác động ngày càng lan rộng của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tín dụng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, thông qua các kênh xuất khẩu, du lịch và sự giảm sút của tổng cầu.
Còn việc Fitch xác nhận giữ nguyên bậc tín nhiệm quốc gia ở mức BB phản ánh nhận định các điểm sáng về tín dụng của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm tiềm năng phát triển vững chắc trong trung hạn, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Nợ Chính phủ được kiểm soát ở mức thấp và khả năng tiếp cận nguồn tài chính đối ngoại thuận lợi hơn so với các quốc gia cùng nhóm xếp hạng.
Fitch cũng dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% do nhu cầu trong nước và nước ngoài dần hồi phục theo xu hướng toàn cầu và khu vực...
Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực làm giảm cả tổng cung và tổng cầu của mỗi quố gia và toàn thế giới. Vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ kinh tế cần có cho mỗi quốc gia hậu dịch COVID-19 đều sẽ tập trung vào cả hai nhóm giải pháp đồng bộ để tăng liên kết, chống đứt gẫy chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cả tổng cung và tăng tổng cầu xã hội.
Đặc biệt, cần nhận diện và làm sâu sắc hơn những thay đổi cả trong tư duy, cũng như trong phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kể cả trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô theo một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”. Theo đó, cần gia tăng các hoạt động và ứng dựng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống, giảm thiểu sự gián đoạn khi “giãn cách xã hội”.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế hậu COVD-19 đang được xúc tiến xây dựng ở các cấp ngành, địa phương và quốc gia dựa theo giả định thời gian kết thúc dịch bệnh.
Tuy nhiên, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cần được hình thành và đòi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từng người dân. Đó không phải là tiềm lực tài chính mà chính sự linh hoạt thích ứng với thị trường và bối cảnh mới với yêu cầu áp dụng công nghệ một cách nhanh nhạy, tăng cường hoạt động thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và làm việc từ xa; sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước.
Đặc biệt, dù bất luận kịch bản nào thì Việt Nam cũng cần tiếp tục và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ những thủ tục gây chậm trễ, rườm rà, ràng buộc, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, giảm bớt thanh tra, kiểm tra, điều tra một số việc không cần thiết, đồng thời đẩy mạnh tiến độ giải ngân 700 nghìn tỷ đồng đầu tư công trong năm 2020.
Chúng ta cũng cần khai thác tốt các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu cùng với việc bám chắc hơn nữa thị trường trong nước. Khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian thay thế nhập khẩu; tập trung khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu…
Nguyễn Minh Phong