Dự báo về tốc độ tăng trưởng và kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 

Từ đầu năm 2022 đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta tiếp tục được triển khai quyết liệt và đồng bộ, trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục nhiều hoạt động kinh tế. Tăng trưởng kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực. GDP quý I/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 4,72% của quý I/2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước 67,37 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tác động của dịch bệnh Covid-19 ngày càng hạn chế khi số ca nhiễm có xu hướng giảm nhanh, các hoạt động kinh doanh cơ bản được khôi phục hoàn toàn, thu nhập của người dân có xu hướng được cải thiện…

Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới trong năm 2022 chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, quá trình phục hồi không vững chắc và còn chứa đựng nhiều rủi ro. Đặc biệt, diễn biến cuộc xung đột Nga - Ukaine tác động không những đến các đối tác kinh tế thương mại lớn của Việt Nam mà còn làm thị trường hàng hóa, năng lượng, tài chính - tiền tệ thế giới bất ổn, làm tăng giá và mặt bằng lạm phát toàn cầu...

1. Một số dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt nam

- Dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) (tháng 4/2022) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 5,3% trong năm 2022 ở kịch bản cơ sở (và 4% trong kịch bản xấu hơn), giảm 0,2 điểm % so với hồi đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,5% được đưa ra tháng 10/2021, do những lo ngại về ảnh hưởng của căng thẳng xung đột giữa Nga - Ukraine dẫn đến gia tăng chi phí đầu vào nguyên nhiên liệu.

- Dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) (tháng 4/2022) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,5% trong năm 2022, sự phục hồi có thể đạt được nhờ tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao, chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát dịch bệnh, thương mại tiếp tục mở rộng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.

- Dự báo của Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) (tháng 4/2022) cũng đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam xuống 6,2% (so với mức dự báo trước đây là 6,5%).

2. Kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 kèm theo các giả định, cụ thể như sau:

Kịch bản trung bình: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,7%. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất hiện nay, với giả thiết tình hình kinh tế thế giới và việc kiểm soát đại dịch tiếp tục được cải thiện. Một số nền kinh tế lớn, đối tác đầu tư và thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản giữ được đà phục hồi (tăng trưởng của Mỹ giả định đạt 3 - 3,5%; tăng trưởng của Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại với giả định tăng trưởng ở mức trên 5%). Trong nước, tình hình dần trở lại ổn định, không phát sinh những ổ dịch lớn làm gián đoạn sản xuất và giãn cách xã hội diện rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Chương trình triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế với mục tiêu tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo thêm dư địa cho phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn có tác động tích cực ngay đến nền kinh tế trong năm 2022. Theo tính toán của NCIF, thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ này có thể làm tăng GDP lên 0,68 điểm% (so với kịch bản không thực hiện gói hỗ trợ). Có thể nói, đây sẽ là yếu tố quan trọng nhất tác động đến kết quả thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Kịch bản cao: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,2%. Kịch bản này có thể xảy ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh khi dịch bệnh trên thế giới hoàn toàn được khống chế. Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt trên 3,5%. Ở kịch bản này, kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2022. Việt Nam tận dụng tốt được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là FTAs thế hệ mới, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao làm khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư và kinh doanh trong nước sẽ khởi sắc trở lại. Chương trình hồi phục nền kinh tế của chính phủ cũng như một số động lực kinh tế khác như hội nhập quốc tế hay phát huy như tiềm năng từ kinh tế số có tác động tích cực ngay trong năm 2022.

Kịch bản thấp: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,2%. Đây là kịch bản có thể xảy ra trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Những biến chủng mới được tạo ra đe dọa đà hồi phục kinh tế, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và của người dân; làm biến động giá cả, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác đầu tư, thương mại lớn của Việt Nam; tiếp tục gây khó khăn cho cuộc sống người dân và sự phục hồi sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Chương trình hồi phục kinh tế, cũng như các động lực tăng trưởng khác không thể phát huy ngay hiệu quả ngay trong năm 2022. Nguồn lực trong nước tập trung vào mục tiêu an toàn và dập dịch hơn là mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế.

                                                                      Trí Ánh (tổng hợp)

570 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 753
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 753
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76788478