Triển vọng chính trị an ninh thế giới trong năm 2024 tiếp diễn với cuộc xung đột Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas chưa được giải quyết, thậm chí có xu hướng gia tăng mức độ. Điều này dẫn tới các hệ luỵ về việc chia rẽ, phân tuyến trong quan hệ quốc tế khiến cho nỗ lực hợp tác, tìm kiếm giải pháp thống nhất chung hầu như không có tiến triển. Tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới dù đang có dấu hiệu phục hồi song không mạnh mẽ và bền vững. Ngày 09/01/2024, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cảnh báo, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 dự kiến tiếp tục chậm lại năm thứ 3 liên tiếp, kéo dài tình trạng nghèo đói và làm trầm trọng mức nợ ở nhiều nước đang phát triển. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất, World Bank dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 2,4% trong năm 2024. Tỷ lệ này là 2,6% trong năm 2023, 3% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2021. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 sẽ cao hơn một chút ở mức 2,7%, nhưng con số này thấp hơn so với dự báo hồi tháng 6/2023 là 3,0%, do tình trạng trì trệ dự kiến ở các nền kinh tế tiên tiến. Mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực của World Bank vào năm 2030 hiện nay phần lớn nằm ngoài tầm với, khi hoạt động kinh tế bị cản trở bởi các xung đột địa chính trị. World Bank cho biết một cách để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, là đẩy nhanh khoản đầu tư hằng năm trị giá 2.400 tỉ USD cần thiết để chuyển đổi sang năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để đạt được sự tăng tốc như vậy đòi hỏi phải có những cải cách toàn diện, bao gồm cải cách cơ cấu để mở rộng dòng chảy tài chính và thương mại xuyên biên giới cũng như cải thiện khuôn khổ chính sách tài chính và tiền tệ.
Đồng quan điểm về tình hình, khả năng phục hồi của kinh tế thế giới, trong báo cáo “Tình hình kinh tế thế giới và Triển vọng 2024” mới được công bố, Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu năm nay, do những thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng. LHQ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% trong năm ngoái. Dự báo của LHQ có phần bi quan so với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 2,9% do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo tháng 10/2023. Nhìn vào dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay theo khu vực, Mỹ được điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm lên 1,4% so với báo cáo trước đó. Nhật Bản ở mức 1,2% và Trung Quốc ở mức 4,7%. Hai nước này đều được điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) bị hạ 0,3 điểm phần trăm xuống còn 1,2%; Anh cũng giảm 0,7 điểm phần trăm xuống còn 0,4%. Dự báo tốc độ tăng trưởng cho các nước mới nổi cũng giảm 0,2 điểm phần trăm so với ước tính trước đó xuống còn 4,0%. LHQ dự báo các nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ giảm tốc tăng trưởng từ 4,9% năm 2023, xuống 4,6% trong năm 2024.
Báo cáo Các xu hướng về triển vọng việc làm và xã hội thế giới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hôm 10/01/2024 ước tính tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu giảm từ 5,3% trong năm 2022 xuống 5,1% vào năm 2023. Tuy nhiên, ILO dự đoán sẽ có thêm khoảng hai triệu cá nhân tìm việc làm trong 2024, đẩy tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu lên 5,2%. Báo cáo của ILO nhấn mạnh, mức sống của người dân trên toàn cầu có thể không cải thiện do lạm phát dai dẳng và thu nhập giảm ở hầu hết các nước G20. Theo ILO, tình trạng thất nghiệp ở thanh niên vẫn nghiêm trọng. Số lượng phụ nữ trẻ trong nhóm NEET (không có việc làm, không được giáo dục hoặc đào tạo) vẫn ở mức cao, gây trở ngại cho cơ hội việc làm trong tương lai của họ. Báo cáo của ILO chỉ ra rằng, những người tham gia lại thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 làm việc ít giờ hơn trước và số ngày nghỉ ốm của họ tăng đáng kể.
Một yếu tố quan trọng khác phải nhắc tới đó là những cuộc bầu cử tổng thống hay nghị viện ở quốc gia hay châu lục đều đang diễn ra sôi động trong nội bộ và dự báo những biến động mới trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế. Đáng chú ý nhất là bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ và Nga, bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ và bầu cử Nghị viện châu Âu, bầu cử tổng thống ở Indonesia và Nam Phi. Theo các chuyên gia quốc tế, kết quả từ các cuộc bầu cử có thể là bước khởi đầu cho sự chuyển biến cơ bản trong chính sách nội bộ của quốc gia, khu vực và không loại trừ khả năng kéo theo những thay đổi mạnh mẽ trong cục diện quan hệ quốc tế. Trí Ánh (nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)