Dự báo kịch bản cơ sở và tăng trưởng cho giai đoạn trung hạn 2021-2025 của Việt Nam 

(ĐCSVN) - Báo cáo tóm tắt “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và xu hướng phục hồi trong trung hạn 2021-2025” do Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa ra cái nhìn tổng quan về tác động của COVID-19 với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.

Ngày 20/1, tại Hà Nội, Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc” đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan Chính phủ: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động,Thương binh và xã hội, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán các nước và từ các viện nghiên cứu, các trường đại học...

 Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: MPI)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam và toàn cầu trải qua nhiều biến động do đại dịch COVID-19. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng âm năm 2020 và cho đến nay, nhiều nước vẫn phải áp dụng cầu biện pháp ngặt nghèo với dịch bệnh. “Có thể nói đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 2009, trong khi hầu hết các nền kinh tế đang phải vật lộn để tồn tại và phục hồi thì vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đại dịch sẽ sớm kết thúc”- Thứ trưởng Phương nói.

Cũng theo Thứ trưởng Phương, như hầu hết các nước trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bới COVID-19. Tăng trưởng GDP năm 2020 giảm còn 2,91% so với con số 6,5-7% được dự báo trước COVID-19. Mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 không hoàn thành. Những ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19, không chỉ về kinh tế vĩ mô mà còn đối với cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình. Các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng và đang phải vật lộn để tồn tại. Hai đợt khảo sát diện rộng với trên 130 nghìn doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (tháng 4 và tháng 9/2020) đều cho thấy có tới trên 83% số doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng tiêu cực. Tương tự, các cá nhân, hộ gia đình, các nhóm người đặc biệt dễ bị tổn thương đang bị tác động mặc dù gói hỗ trợ của Chính phủ đã được cung cấp từ rất sớm.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: MPI) 

Thứ trưởng nhấn mạnh, mặc dù vậy, những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021-2025. Bên cạnh đó, COVID-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Các giải pháp, định hướng chính sách được kịp thời cập nhật và điều chỉnh để thực hiện được nhiệm vụ này.

Dịp này, Thứ trưởng cũng mong muốn được đón nhận các ý kiến trao đổi, chia sẻ về tác động của COVID-19 chỉ là sự đứt đoạn hay đã và đang bào mòn các động lực tăng trưởng của giai đoạn tới; Động lực chính và yếu tố mới trong nước, quốc tế đối với quá trình tăng trưởng và phát triển của Việt Nam; các nhóm giải pháp Chính phủ và doanh nghiệp cần chú ý thực hiện nhằm phục hồi nền kinh tế và bứt phá trong thời gian tới...

Báo cáo đã dự báo một số kịch bản kinh tế chủ yếu dựa trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại, với 2 kịch bản chủ yếu:

Kịch bản cơ sở: tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8%, diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch COVID-19 dần được khống chế. Ở kịch bản này, một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại. Tăng trưởng của Mỹ giả định đạt 3-3,5%; kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại với giả định tăng trưởng ở mức 5%. Giá dầu giữ ở mức thấp, tương ứng năm 2020 là 45 USD/thùng. Trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng ở mức 7%. Đóng góp của khu vực FDI dự kiến tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Kịch bản khả quan: Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2%. Kịch bản diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Kinh tế Mỹ tăng trưởng trên 3,5%. Kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6-8%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021. Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước khởi sắc trở lại. Tăng trưởng đầu tư khu vực nhà nước đạt 8%. Các yếu tố khác không đổi so với kịch bản cơ sở.

Về những năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam có thể chưa thể thực sự bứt phá, bởi nhiều khó khăn nội tại chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí có xu hướng trầm trọng hơn sau thời gian đại dịch COVID-19. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố tác động và những điều chỉnh trong trung hạn 2021-2025, NCIF cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ theo hai kịch bản như sau:

Kịch bản cơ sở: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Kịch bản này diễn ra với giả định các nguy cơ về dịch COVID-19 vẫn thường trực, những giải pháp trợ giúp nền kinh tế của Chính phủ mang lại hiệu hiệu quả ở mức vừa phải trong khi bối cảnh quốc tế vẫn trong tình trạng rủi ro, bất ổn kéo dài; kinh tế và thương mại tăng trưởng chậm.

Kịch bản khả quan: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 2021-2025 có thể đạt gần 6,8%/năm, nền kinh tế mặc dù có điều chỉnh giảm nhẹ sau mức tăng trưởng cao năm 2021, nhưng sau đó sẽ hồi phục ổn định.

Như vậy, kết quả dự báo tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 theo phương án dự báo mới nhất (tháng 12/2020) cập nhật tác động của đại dịch COVID-19 và sự thay đổi của bối cảnh trong nước và quốc tế, đã giảm đáng kể so với các dự báo trước COVID-19 của NCIF (tháng 12/2019). GDP phương án điều chỉnh giảm khoảng 0,7 điểm % so với dự báo trước đây, trong đó, tăng trưởng giảm thấp hơn chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất kiến nghị một số giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn giúp khôi phục tăng trưởng, đặc biệt về việc kích thích quá trình dịch chuyển chuỗi nhanh hơn. Trong đó, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia đã xây dựng sơ đồ về khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng theo ngành gồm hai trục là động cơ dịch chuyển (gồm giảm chi phí, tránh thuế, giảm rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng và chính sách khuyến khích dịch chuyển của các nước) và mức độ dễ dàng trong việc dịch chuyển (dựa trên các yếu tố như mức độ thâm dụng công nghệ và lao động của ngành; năng lực của các đối tác thay thế, chi phí của việc dịch chuyển và sự níu kéo của thị trường hiện tại)./.

 
HNV
370 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1297
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1297
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87154605