Dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng 6% 

(Chinhphu.vn) - Từ tháng 10/2021, nếu việc kiểm soát dịch bệnh tiếp tục khả quan như hiện nay, sản xuất công nghiệp trong quý IV sẽ tăng trưởng cao hơn quý III, góp phần vào thực hiện mục tiêu năm 2021...

 

Chi số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh minh họa

Dấu hiệu khởi sắc

Theo báo cáo 9 tháng của Bộ Công Thương, do chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài khiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp vẫn đang duy trì đà tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,17% do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 phục hồi nhẹ, ước tính tăng 5% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng năm 2021, IIP ước tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%, riêng ngành khai khoáng giảm 6,4%.

Đặc biệt, chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tiêu biểu là sản xuất kim loại tăng 28,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7%; sản xuất trang phục tăng 4,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; sản xuất đồ uống giảm 4,2%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 2,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 1,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,1%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao như: Phân DAP tăng 56,5%; thép cán tăng 43,3%; ô tô tăng 18,6%; quặng apatit tăng 15,5%; sắt thép thô tăng 12,4%; xăng dầu các loại tăng 16,1%; khí hóa lỏng tăng 15,7%; sữa bột tăng 10,3%; phân NPK tăng 9,2%; điện thoại di động tăng 8,2%.

Riêng tại TPHCM, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 9 tháng/2021 đã giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành giảm mạnh hơn so với cùng kỳ như: sản xuất đồ uống giảm 26,1%; sản xuất trang phục giảm 25,8%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 16,0%; sản xuất sản phẩm điện tử giảm 15,0%; sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại giảm 11,6%...

4 ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM giảm mạnh gồm: Sản xuất hàng điện tử giảm 15,0%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 14,5%, ngành cơ khí giảm 8,1%; ngành hóa dược giảm 7,4%.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Thành phố đã trải qua hơn 100 ngày thực hiện giãn cách xã hội, đây là khoảng thời gian khó khăn chưa từng có đối với cộng đồng doanh nghiệp thành phố. Song, sau những nỗ lực của chính quyền và người dân Thành phố, đến nay công tác kiểm soát dịch đã có những tín hiệu tích cực, đây là những cơ sở để cho thành phố có thể tiến tới nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện lộ trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đánh giá chung về sản xuất công nghiệp 9 tháng, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sự tăng trưởng của nhiều nhóm hàng đã cho thấy nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có tác dụng, sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có dấu hiệu khởi sắc.

"Từ tháng 10/2021, nếu việc kiểm soát dịch bệnh tiếp tục khả quan như hiện nay, sản xuất công nghiệp trong quý IV sẽ tăng trưởng cao hơn quý III, góp phần vào thực hiện mục tiêu năm 2021", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
 

Các doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “4 tại chỗ” đang nỗ lực phục hồi sản xuất, không để mất đơn hàng. Ảnh: MOIT

Xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ

Theo kế hoạch, từ 0h ngày 1/10/2021, TPHCM thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19”, PGS. TS Trần Hoàng Ngân nhìn nhận để tái khởi động sản xuất công nghiệp, Thành phố đã ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm đối tượng người lao động, công nhân và đến nay tỉ lệ bao phủ vaccine trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn khá cao, 70% số lao động được tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, PGS. TS Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý về việc, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác cũng là bài học để TPHCM thận trọng trong việc mở cửa theo lộ trình an toàn, tránh lặp lại tình trạng “mở nhanh - đóng vội”.

Cũng ở khu vực phía nam, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của tỉnh đang phục hồi tương đối tốt, nếu vài tháng trước chỉ có 102/431 doanh nghiệp sản xuất chế biến công nghiệp, đến nay đã tăng lên 190 doanh nghiệp. Công suất sản xuất của các doanh nghiệp đang đạt khoảng 40-50%, dự kiến đến hết quý IV/2021 công suất sẽ tăng lên 80% do các doanh nghiệp đang tiến hành thu nhận thêm công nhân, người lao động vào làm việc. Có thể thấy, các doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “4 tại chỗ” đang nỗ lực phục hồi sản xuất, không để mất đơn hàng.

Có thể thấy, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục khởi sắc nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19 thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu đang hồi phục. Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản… được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại. Do đó, việc khôi phục sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn, giữ được bạn hàng cho những năm tiếp theo.

Để làm được điều này, theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần thích nghi với trạng thái "bình thường mới", nối lại chuỗi sản xuất bên cạnh chú trọng kiểm soát dịch bệnh. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất công nghiệp để hướng dẫn các Sở Công Thương, các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bộ Công Thương tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp, những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp để đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các khu công nghiệp, nhằm khôi phục nhanh nhất việc sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm để bù đắp cho những tháng vừa qua.

Tiếp tục thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số vật liệu cơ bản từng bước chủ động nguồn linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào trong nước, giảm dần tỉ lệ nhập khẩu; khẩn trương hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ... để tạo cơ chế thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong những năm tới.

Dự báo về chỉ số sản xuất công nghiệp cuối năm 2021, Bộ Công Thương cho biết nếu dịch được khống chế trong quý III thì khả năng hồi phục sản xuất còn chậm do thiếu lao động, việc tổ chức lại sản xuất sau thời gian gián đoạn sẽ gặp khó khăn. Nếu như các doanh nghiệp ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng tốc sản xuất thì khả năng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng khoảng 6 % so với năm 2020.

Con số này mặc dù thấp hơn chỉ tiêu ngành Công Thương đặt ra ban đầu (IIP tăng 8-9%) nhưng cũng đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất.
 

Phan Trang
233 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 713
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 713
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88331614