Dự báo bối cảnh mới tác động đến nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng 

Để ứng phó kịp thời với những tác động từ bối cảnh mới, Việt Nam cần kiên trì bảo vệ và không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, coi đó là những điều kiện tiên quyết, cốt yếu để công cuộc đổi mới giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa và đi đến thành công.

Suốt gần 40 năm qua, sự hình thành và phát triển đường lối đổi mới của Đảng là một quá trình không ngừng tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn, đổi mới tư duy, bổ sung, phát triển lý luận, sáng tạo, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để có những bước đi phù hợp. Phân tích bối cảnh mới và đưa ra những dự báo về những tác động đến công tác nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng trong thời gian tới là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng.

1. Bối cảnh mới - cơ sở dự báo

Bối cảnh quốc tế, khu vực:

Bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, thế giới và khu vực chứng kiến nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, thậm chí khó lường, ngoài dự báo và sâu rộng chưa từng có, với những thay đổi mang tính hệ thống kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

Thứ nhất, Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng những phát triển đột phá về công nghệ như ChatGPT, trí tuệ nhân tạo (AI), xu thế chuyển đổi  số, công nghệ xanh, sạch… đang mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức và cả những lĩnh vực mới chưa từng có.

Thứ hai, đại dịch Covid-19, các thảm họa thiên nhiên, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, an ninh không gian vũ trụ… tác động không nhỏ đến an ninh và phát triển của tất cả các quốc gia, làm xuất hiện các xu thế mới, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới.

Thứ ba, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là ước nguyện của nhân loại, song đang đứng trước những thách thức lớn; cạnh tranh nước lớn gay gắt, kiềm chế nhau một cách quyết liệt.

Thứ tư, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay rộng hơn là Ấn Độ Dương -  Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng chiếm vị trí địa chiến lược, địa kinh tế ngày càng quan trọng trong chính sách các nước lớn. Tuy nhiên, những biến động gần đây của khu vực cũng khiến ASEAN đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong việc thúc đẩy vai trò trung tâm cũng như đoàn kết nội khối.

Bối cảnh trong nước:

Gần 40 năm Đổi mới đã tạo cho đất nước ta thế và lực mới. Như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Riêng trong năm 2023, với sự ổn định về chính trị, phục hồi về kinh tế, độc lập, tự chủ trong đối ngoại đã làm cho thế và lực của Việt Nam gia tăng trên trường quốc tế. Cụ thể:

Trong lúc kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thì kinh tế Việt Nam cơ bản ổn định, sự cân đối của nền kinh tế được đảm bảo, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Hoạch định và triển khai đường lối tự chủ chiến lược đã đem lại thế và lực mới cho Việt Nam: chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tích nổi bật.

Tuy nhiên, mặc dù kinh tế đất nước đang phát triển năng động, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn phải ứng phó, khắc phục. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển còn thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Thêm vào đó, bốn nguy cơ mà Đảng nêu ra vẫn tồn tại, thậm chí có mặt còn diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn. Các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ ý đồ chống phá, thực hiện “diễn biến hòa bình”.

2. Dự báo những tác động từ bối cảnh đến việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng

Bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước như đã phân tích ở trên sẽ tác động mạnh đến công tác nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng chủ yếu trên hai lĩnh vực là: tư duy, nhận thức và trong vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng. Cụ thể:

Một là, tác động đến tư duy, nhận thức trong nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng.

Bối cảnh mới đòi hỏi phải có tư duy mới về những vấn đề căn bản, cốt lõi của công tác nghiên cứu lý luận xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới:

Trong tư duy phân tích tình hình: Thế giới đang cấu trúc lại cho phù hợp với CMCN 4.0 tạo nên những biến động phức tạp đòi hỏi chúng ta phải có tư duy, cách tiếp cận mới trong phân tích, đánh giá tình hình. Chúng ta phải định vị Việt Nam trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động, từ đó nhận định chính xác những xu hướng vận động mới về an ninh, về phát triển đang diễn ra, đánh giá lại những cơ hội và thách thức đối với an ninh, phát triển của đất nước. Việt Nam đang dần trở thành quốc gia tầm trung với thế và lực lớn mạnh của gần 40 năm đổi mới tạo dựng. Điều này đặt ra yêu cầu mới cho tư duy trong hoạch định đường lối phát triển. Đó là, Việt Nam có thể tham gia đóng góp nhiều hơn, có trách nhiệm hơn vào các vấn đề toàn cầu. Nghĩa là tới đây, tư duy của chúng ta phải chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ học tập sang dẫn dắt, từ hội nhập rộng sang hội nhập toàn diện, đầy đủ, từ một quốc gia nhỏ sang quốc gia tầm trung.

Tư duy trong hội nhập quốc tế: Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng nên rất cần có tư duy sáng tạo để có thể phát huy cơ hội, hạn chế thách thức. Bởi việc tham gia vào các tổ chức quốc tế, khu vực một mặt đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích về an ninh, phát triển cùng vị thế, nhưng mặt khác cũng ràng buộc không gian chính sách và hành xử của ta cả trong đối nội lẫn đối ngoại. Do đó, tác động từ hội nhập sâu rộng, toàn diện đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh tư duy trong hoạch định, triển khai chính sách theo hướng xử lý hài hòa giữa tranh thủ, tận dụng nguồn lực bên ngoài sao cho không ảnh hưởng đến trong nước. Về kinh tế là giải bài toán tận dụng được các cơ hội của hội nhập mà không ảnh hưởng đến nhu cầu tự chủ, sức mạnh nội tại, không làm ảnh hưởng đến việc gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Không vì thấy xu hướng bảo hộ, chống toàn cầu hóa, coi thường chủ nghĩa đa phương nổi lên mà dao động, chúng ta cần kiên trì định hướng chiến lược hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Về chính trị, các mặt trái từ tác động bối cảnh đến tư duy, nhận thức nếu không sớm khắc phục dễ làm trầm trọng thêm “tự diễn biến, tự chuyển hóa” và cũng có thể làm tăng nguy cơ “diễn biến hòa bình”, chệch định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội: Bối cảnh mới đòi hỏi Việt Nam phải có tư duy mới trong hoạch định đường lối phát triển. Về mục tiêu phát triển, cần chuyển từ tư duy đơn thuần là tăng trưởng nhanh sang duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững. Xử lý hài hòa mục tiêu tăng trưởng, phát triển theo hướng bền vững sẽ giúp Việt Nam đột phá vào các xu hướng phát triển đang diễn ra, thu hẹp khoảng cách đối với các nước đi trước. Về mô hình phát triển cũng cần đổi mới tư duy hướng tới xây dựng mô hình phát triển bền vững. Nghĩa là, mô hình đặt các mục tiêu chất lượng (năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh tế, cơ cấu kinh tế, vị thế trong phân công lao động quốc tế…) lên vị trí ưu tiên hàng đầu so với mục tiêu tăng trưởng sản lượng (tăng GDP, đầu tư, xuất khẩu, tiết kiệm…). Các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu như khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao… đóng vai trò tích cực và chiếm tỷ trọng cao trong kết quả tăng trưởng kinh tế. Các xu hướng phát triển mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử… sẽ làm gia tăng khoảng cách “tri thức” giữa các nước phát triển và đang phát triển. Do đó, nếu tư duy trong hoạch định chính sách phát triển của Việt Nam không theo kịp sẽ dễ tụt hậu xa hơn hay rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” như đã cảnh báo.

Bối cảnh quốc tế và yêu cầu trong nước tác động buộc Việt Nam phải đổi mới tư duy về sự “đồng bộ” giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế và đổi mới xã hội. Cần đổi mới tư duy về quản lý xã hội theo hướng nhân văn, lấy con người làm trung tâm, đặt phát triển con người cả mặt cá nhân lẫn mặt cộng đồng, vừa là mục tiêu vừa là động lực quan trọng nhất. Có đổi mới tư duy được như vậy Việt Nam mới đảm bảo đúng định hướng phát triển lên chủ nghĩa xã hội.

Tư duy trong hội nhập quốc tế: Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng nên rất cần có tư duy sáng tạo để có thể phát huy cơ hội, hạn chế thách thức. Về kinh tế là giải bài toán tận dụng được các cơ hội của hội nhập mà không ảnh hưởng đến nhu cầu tự chủ, sức mạnh nội tại, không làm ảnh hưởng đến việc gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Về chính trị, các mặt trái từ tác động bối cảnh đến tư duy, nhận thức nếu không sớm khắc phục dễ làm trầm trọng thêm “tự diễn biến, tự chuyển hóa” và cũng có thể làm tăng nguy cơ “diễn biến hòa bình”, chệch định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tư duy linh hoạt trong tận dụng cơ hội: Những biến chuyển về chính trị, kinh tế và khoa học đang đẩy nhanh các xu hướng phát triển mới. Những xu hướng này một mặt mở ra cơ hội mới cho Việt Nam - nếu tận dụng thành công có thể thu hẹp đáng kể khoảng cách với các nước phát triển, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược năm 2045. Mặt khác, nếu không xử lý thỏa đáng, có nguy cơ sẽ tụt hậu ngày càng xa, lâm vào bất ổn chính trị - xã hội, thậm chí kéo theo sự can dự trực tiếp hoặc gián tiếp từ nước ngoài. Do đó, đòi hỏi tư duy trong hoạch định và triển khai chính sách là phải sắp xếp chính xác thứ tự ưu tiên, phải tập trung nguồn lực có hạn của mình vào những lĩnh vực thế mạnh, có tiềm năng đột phá mới có thể vượt lên.

Tác động đến tư duy quốc phòng, an ninh: Bối cảnh mới đang tác động mạnh đến tư duy về quốc phòng, an ninh, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới. Tư duy quốc phòng, an ninh mới đòi hỏi chúng ta không chỉ tiếp cận đối phó với an ninh truyền thống, mà còn bao gồm và chủ yếu ở lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Tư duy tiếp cận mới trong quốc phòng, an ninh đòi hỏi chúng ta không chỉ đầu tư vào “sức mạnh cứng”, “năng lực cứng” như trước đây, mà còn cần đầu tư nhiều hơn vào “sức mạnh mềm”, “năng lực mềm”, để có khả năng ứng phó với các tác động ngày càng đa dạng từ bối cảnh mới. Mặt khác, bối cảnh mới tác động đến tư duy về quốc phòng, an ninh đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đầy đủ, chính xác về những thay đổi trong nội hàm từng vấn đề như: chủ thể, phương thức, phương tiện, hình thái thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trong bối cảnh CMCN 4.0 và toàn cầu hóa hiện nay.

Hai là, tác động đến sự  vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng.

Bối cảnh mới tác động đến việc vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng trong đảm bảo nguyên tắc kiên định, kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam dễ bị sai lệch. Đòi hỏi chúng ta trong kiên định độc lập tự chủ, đề cao lợi ích quốc gia, nhưng không sao lãng nghĩa vụ, trách nhiệm ngày càng cao với cộng đồng, nhân loại. Vận dụng trong xử lý hài hòa lợi ích quốc gia với quan tâm chung phải tùy theo từng vấn đề, đối tượng cụ thể, phải phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử tại khu vực.

 Bối cảnh mới tác động đến vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng trong phối hợp giữa nội lực với ngoại lực và huy động sức mạnh tổng hợp của quốc gia rất dễ dẫn đến nhận thức không đầy đủ hoặc đánh giá sai lệch các thành tố. Trong hai yếu tố bên trong và bên ngoài với sức mạnh nội lực đóng vai trò quyết định thì sức mạnh thời đại giữ vai trò tạo điều kiện thuận lợi, đột phá. Nội lực là nguồn lực chính, là gốc rễ cho sức mạnh của dân tộc, vì vậy phải luôn được phát huy để đảm bảo tính độc lập tự chủ, để vững mạnh. Nhưng bối cảnh mới hiện nay rất cần tranh thủ cao độ mọi nguồn lực bên ngoài để kết hợp, bổ sung cho nội lực, phục vụ cho phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bối cảnh mới tác động đến vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, hoàn thiện lý luận về vai trò đối ngoại cùng mối quan hệ với an ninh, quốc phòng trong đường lối đổi mới của Đảng. Khi tham gia vào các cơ chế đa phương quốc tế có sự tham gia của các cường quốc hàng đầu, trên nền tảng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo… nếu đối ngoại thiếu bản lĩnh, đánh mất sự độc lập, tự chủ, khó ra được những quyết sách đúng trong các thời điểm then chốt và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến công cuộc đổi mới cùng môi trường hội nhập của Việt Nam.

Như vậy, dự báo về những tác động từ bối cảnh mới như đã phân tích ở trên đặt ra những yêu cầu rất cao trong tư duy, nhận thức, cũng như vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng. Để Việt Nam ứng phó kịp thời với những tác động từ bối cảnh mới, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng, chúng ta cần kiên trì lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết bảo vệ và không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, coi đó là những điều kiện tiên quyết, cốt yếu để công cuộc đổi mới giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa và đi đến thành công./. Lê Liên (Tổng hợp)

72 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 667
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 668
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85352760